Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Mô hình tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tại tỉnh Bình Dương

2023-06-14 20:22:00.0

Mô hình tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tại tỉnh Bình Dương

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tồn tại 3 mô hình chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: (1) Mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư; (2) Mô hình đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện như Ban quản lý cụm công nghiệp, Trung tâm phát triển cụm công nghiệp, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Công Thương như Trung tâm Khuyến công; đơn vị sự nghiệp khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp); (3) Mô hình Ủy ban nhân dân cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư (chủ yếu là tại các cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg).

Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 05/01/2022, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tại có 07 cụm công nghiệp đang hoạt động, cụ thể như sau: cụm công nghiệp Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên), cụm công nghiệp Thành Phố Đẹp, cụm công nghiệp Phú Chánh 1, cụm công nghiệp Uyên Hưng (đều ở thành phố Tân Uyên), cụm công nghiệp Thanh An (huyện Dầu Tiếng), cụm công nghiệp Tân Thành (thành phố Thuận An) và cụm công nghiệp Tam Lập (huyện Phú Giáo).

Hình. Cụm công nghiệp Phú Chánh 1 tại Phường Phú Chánh, Thành phố Tân Uyên do Công ty TNHH Cheng Chia Wood làm chủ đầu tư

Đặc điểm của các mô hình

- Mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư: Đây là mô hình phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Chủ đầu tư chủ động triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng, hoàn thành, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng cụm công nghiệp; chủ động, nhanh chóng thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp; thủ tục tiếp nhận, cho thuê đất đối với nhà đầu tư thứ cấp thuận lợi;... Tuy nhiên, giá cho thuê mặt bằng tại các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư thường cao; chỉ thu hút được các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp có vị trí quy hoạch thuận lợi về giao thông, kết nối hạ tầng kỹ thuật bên ngoài, gần nguồn lao động,...

- Mô hình đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư: Đây là những mô hình phù hợp với những địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn khó thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Cụm công nghiệp tại các địa bàn này được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; do vậy việc đầu tư xây dựng, hoàn thành và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp khó khăn, tiến độ thường rất chậm, thiếu đồng bộ; phát sinh thêm bộ máy, nhân sự quản lý cụm công nghiệp; việc cho thuê đất đối với các dự án thứ cấp tại các cụm công nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp huyện/cấp xã hoặc đơn vị sự nghiệp không tự chủ tài chính đang gặp vướng mắc do pháp luật về đất đai hiện nay chưa quy định rõ đối với trường hợp này.

Đâu là mô hình chủ yếu ở Bình Dương hiện nay?

Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương và căn cứ vào những ưu điểm và hạn chế của ba mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hiện đang tồn tại, mô hình chủ đầu tư là doanh nghiệp đã và đang được xem là mô hình thích hợp nhất của tỉnh, phát huy hiệu quả nhất và tối ưu nhất. Do đó, tất cả các cụm công nghiệp (07) ở Bình Dương hiện nay đều do doanh nghiệp làm chủ đầu tư./.  

                                                                    

                                                               


Quốc Cường – Phòng QLCN

Lượt xem: 5671

Thống kê truy cập

Đang truy cập:765

Tổng truy cập: 18537056