Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 200 tỷ USD

2018-07-03 09:53:00.0

Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15/06/2018 cán mốc 200 tỷ USD.

Tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2018 (từ ngày 01/6 đến ngày 15/6/2018) đạt 18,98 tỷ USD, giảm 12,7% (tương ứng giảm 2,76 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 5/2018.

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2018 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 204,72 tỷ USD, tăng 13,2% (tương ứng tăng 23,86 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6 năm 2018 có mức thặng dư nhỏ 27 triệu USD, qua đó làm cho cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2018 tiếp tục thặng dư với mức 2,86 tỷ USD.

Ngày 13/06/2018, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến ngày 13/06/2018 cán mốc 200 tỷ USD.

Trong 15 ngày đầu tháng 6/2018 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu trị giá 11,75 tỷ USD, giảm 14,1%, tương ứng giảm 1,93 tỷ USD so với nửa cuối tháng 5/2018. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2018 khối này đạt trị giá xuất nhập khẩu 131,81 tỷ USD, tăng 12%, tương ứng tăng 14,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong nửa đầu tháng 6/2018 đạt thặng dư 1,02 tỷ USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/6/2018 lên 13,6 tỷ USD.

Về xuất khẩu:​ Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2018 đạt 9,51 tỷ USD, giảm 14,4% (tương ứng giảm 1,6 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5/2018. Tính đến hết ngày 15/6/2018, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 103,79 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 14,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

So với nửa cuối tháng 5/2018, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 6/2018 biến động ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện 16,5%, tương ứng giảm 283 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 233 triệu USD, tương ứng giảm 27,9%, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 127 triệu USD, tương ứng giảm 29%; giày dép các loại giảm 108 triệu USD, tương ứng giảm 12,7%; sắt thép các loại giảm 77 triệu USD, tương ứng giảm 36,2%; hàng thủy sản giảm 66 triệu USD, tương ứng giảm 15,4%...

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 6,39 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 1,2 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5/2018. Như vậy, tính đến hết ngày 15/6/2018 tổng trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 72,71 tỷ USD, tăng 15,7% tương ứng tăng 9,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm đến 70,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Về nhập khẩu: Trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2018 đạt 9,48 tỷ USD, giảm 10,8% (tương ứng giảm 1,15 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 5/2018. Tính đến hết ngày 15/6/2018, tổng trị giánhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 100,93 tỷ USD, tăng 9,8% (tương ứng tăng 9,05 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

So với nửa cuối tháng 5/2018, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 6/2018 biến động giảm ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 524 triệu USD, tương ứng giảm 26,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 99 triệu USD, tương ứng giảm 6,5%; dược phẩm giảm 96 triệu USD, tương ứng giảm 46,6%; vải các loại giảm 74 triệu USD, tương ứng giảm 11,1%...

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 6/2018 đạt 5,36 tỷ USD, giảm 12% (tương ứng giảm 730 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 5/2018. Như vậy, tính đến hết ngày 15/6/2018, tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 59,11 tỷ USD, tăng 7,8%, tương ứng tăng 4,26 tỷ USD, chiếm 58,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Kết quả đáng khích lệ

Nhờ kết quả xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nên nền kinh tế đã chuyển sang vị thế xuất siêu trong giao thương quốc tế (xuất siêu 2,67 tỷ USD) và đây là điều đáng ghi nhận, bởi Việt Nam thường xuyên nhập siêu trong nhiều năm trước. Từ đầu năm đến nay, đã có 39/45 nhóm hàng có tốc độ xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ, điển hình như điện thoại, sản phẩm điện tử và linh kiện...

Cơ cấu hàng xuất khẩu đang có sự chuyển dịch thành công, đưa hoạt động xuất khẩu ngày càng thực chất. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghệ chế biến, chế tạo hiện chiếm tỷ trọng hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu cho thấy kết quả khả quan của quá trình thực hiện công nghiệp hóa, gắn liền với sự chuyển biến trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt gần 26 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, với sự tăng trưởng ấn tượng của các loại rau, quả xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Các cơ sở sản xuất trong nước cần tận dụng đà tăng trưởng này để chủ động hơn nữa trong hoạt động tiếp thị và xuất khẩu, nhằm nâng cao kim ngạch kết hợp giữa mục tiêu mở rộng quy mô với tìm thị trường mới, cũng như quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam.

Cơ cấu thị trường cũng có sự chuyển biến đáng ghi nhận, theo hướng chủ động hơn. Cụ thể, thị trường xuất khẩu phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa; hàng Việt luôn giữ được “phong độ” thông qua việc duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao sang Mỹ, EU, Nhật Bản... vốn là những thị trường nhiều tiềm năng về sức mua nhất thế giới. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sang Châu Đại Dương và Châu Phi đang có sự tiến triển mạnh, với mức tăng trưởng lần lượt là 43%, 34% so với cùng kỳ. 


Lượt xem: 355

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1065

Tổng truy cập: 18466134