Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Kim ngạch dệt may tăng so với cùng kỳ năm 2017

2018-12-03 16:31:00.0

Tính đến hết tháng 10 năm 2018, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may tại hơn 50 nước trên thế giới, với kim ngạch đạt 25,17 tỷ USD, tăng 17,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 10 năm 2018, kim ngạch này đạt 2,73 tỷ USD, tăng 23,04% so với tháng 10 năm 2017.

Hoa Kỳ là nước nhập khẩu lớn nhất hàng dệt may Việt Nam, với kim ngạch 10 tháng năm 2018 là 11,45 tỷ USD, tăng 12,20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản và Hàn Quốc là nước đứng thứ 2 và thứ 3 về nhập khẩu mặt hàng này, với kim ngạch 3,13 tỷ USD và 2,78 tỷ USD.

So với 10 tháng năm 2017, nhiều nước có kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đáng kể như Thái Lan (tăng 50,73%, ứng với kim ngạch 127,91 triệu USD), Chi Lê (tăng 44,94%, ứng với kim ngạch 107,03 triệu USD), Trung Quốc (tăng 39,58%, ứng với kim ngạch 1,23 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, có những nước giảm về kim ngạch nhưng do kim ngạch thấp nên không ảnh hưởng chung đến kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam như Slovakia (giảm 46,68%, ứng với kim ngạch 829,19 nghìn USD), Hy Lạp (giảm 19,14%, ứng với kim ngạch 6,85 triệu USD), Achentina (giảm 8,35% ứng với 21,02 triệu USD).

Hướng xuất khẩu sang Canada

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2019 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Một trong những cơ hội đó chính là mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển, nâng cao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may

Mặc dù CPTPP không có thị trường Mỹ - thị trường chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm của Việt Nam, nhưng còn nhiều thị trường có tiềm năng lớn như Australia, New Zealand, Chile, đặc biệt thị trường Canada.

Trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN kể từ năm 2015, năm 2017 Việt Nam là điểm đến lớn thứ hai của sản phẩm nông nghiệp và hải sản Canada trong khối ASEAN với việc giá trị xuất khẩu đã đạt 1,05 tỷ đôla Canada (CAD), tăng gần gấp đôi so với năm 2016. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hải sản chiếm hơn một nửa tỷ trọng xuất khẩu của Canada sang Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Canada vào Việt Nam đạt 635 triệu CAD, chỉ bằng 97,2% so với cùng kỳ 2017, tuy nhiên, trong hai tháng 8 và 9 đều có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Dự kiến CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Việt Nam sẽ tăng 271 triệu CAD, khoảng 16,8%. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Việt Nam gồm thực phẩm (tăng 52 triệu CAD) và hóa chất (tăng 33 triệu CAD).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ASEAN về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Canada và đứng thứ 5 trong các nước châu Á. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada vẫn là các mặt hàng truyền thống có lợi thế như: dệt may(đứng thứ 4 trong các nhà cung cấp); thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; gỗ và sản phẩm; hàng nông sản với cá da trơn và tôm. 9 tháng đầu năm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ghi nhận mức tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017 giá trị đạt 2,226 tỷ USD. Đây cũng là một trong những thị trường xuất siêu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 10, Canada đứng thứ 14 về nguồn vốn FDI vào Việt Nam với 5,095 tỷ USD vốn đầu tư và 172 dự án còn hiệu lực.

Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may khoảng 13,3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada còn khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm. Hiện Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Canada, do đó CPTPP sẽ giúp mở ra cơ hội để Việt Nam tăng tốc độ phát triển lĩnh vực dệt may tại thị trường này trong những năm tới.

Để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp cũng chuẩn bị các điều kiện quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế suất ưu đãi. Nguồn nguyên liệu cho ngành may trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 20-30%, số còn lại phải nhập khẩu, trong đó phần lớn từ các nước và vùng lãnh thổ không thuộc khối CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Để  đáp ứng về yêu cầu xuất xứ nguồn nguyên liệu trong nước, ngoài nỗ  lực từ phía doanh nghiệp là chưa đủ, cần có cơ chế chính sách đồng bộ tạo điều kiện cho ngành dệt, nhuộm trong nước phát triển. 

CPTPP không chỉ yêu cầu cao về chất lượng, xuất xứ nguyên liệu mà còn đòi hỏi cả về điều kiện lao động, môi trường làm việc. CPTPP quy định cả vấn đề chống tham nhũng, minh bạch, cạnh tranh trong hoạt động của doanh nghiệp. Các điều kiện về bảo vệ môi trường; các điều khoản cải thiện điều kiện làm của lao động, công đoàn. Do đó, phải thực thi đầy đủ công ước ILO mà chúng ta đã tham gia.

CPTPP là hiệp định toàn diện có nhiều nội dung với những quy định chi tiết và chuyên sâu từng lĩnh vực. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nắm chắc nội dung, đáp ứng tốt những quy định, tiêu chuẩn để được hưởng thuế suất ưu đãi. Việt Nam có xuất phát thấp so với các nước khác trong khối CPTPP, nhưng khi, tham gia với những thành viên có thị trường lớn và tiến bộ, thì đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải thay đổi cách  theo hướng chuyên nghiệp, có chiến lược đầu tư dài hạn, thì mới tiếp cận và tận dụng cơ hội này. Nếu không, thì doanh nghiệp của các nước khác sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, bởi trong cơ hội bao giờ cũng  kèm theo thách thức.

 


Lượt xem: 352

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1040

Tổng truy cập: 18466134