Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Không “tham” phát triển chiều rộng

2014-01-21 16:44:00.0

Sau một thời gian dài phát triển, dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng công nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới Bộ Công Thương nhắm đến mục tiêu phát triển công nghiệp theo chiều sâu.

Sau một thời gian dài phát triển, dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng công nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới Bộ Công Thương nhắm đến mục tiêu phát triển công nghiệp theo chiều sâu.

Chất lượng quy hoạch còn yếu

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011). Đánh giá một cách khái quát nhất, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, công nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian khá dài, bình quân 10 năm đạt trên 15%, tốc độ tăng ở cả 3 khu vực Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài. Vị thế của ngành công nghiệp ngày càng được khẳng định, sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng, đảm bảo cung ứng ra các sản phẩm và nguyên liệu thiết yếu cho cả tiêu dùng và sản xuất.

Tuy nhiên, hạn chế được ông Giám chỉ ra có lẽ còn nhiều hơn những ưu điểm chúng ta đã đạt được. Theo đó, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp thấp và đang có xu hướng giảm; trình độ công nghệ còn thấp kém, chủ yếu tập trung công nghệ thấp hoặc trung bình; liên kết giữa địa phương trong vùng kinh tế yếu bởi lẽ các địa phương đều có tiềm năng đều như nhau nên cạnh tranh nhau, không thể liên kết. Hơn thế, sản xuất công nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng, theo hướng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Nhìn từ thực tế, xu hướng gia công, lắp ráp xuất phát điểm là do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, sản xuất phụ thuộc vào nhập nguyên phụ liệu. Hầu hết các ngành, thậm chí là những ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt như dệt may, da giày nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất cũng đều phải NK. “Hoặc như ngành bia, chúng ta cũng phải NK 60-70% nguyên liệu”, ông Giám cho hay.

Một điều “trăn trở” của các nhà hoạch định chiến lược được ông Giám không ngại bày tỏ là việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển cho các ngành công nghiệp còn rất yếu. Trong hội nghị trực tuyến công tác của Bộ Công Thương mới diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lo ngại đối với chất lượng của các bản quy hoạch cũng như chiến lược phát triển mà Bộ Công Thương xây dựng, “Có những quy hoạch làm mất 2 đến 3 năm, rất mất thời gian nhưng quy hoạch và chiến lược không khác nhau là mấy. Ví dụ như chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, mới đây Bộ Công Thương đã trình nhưng cũng không khác quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô là mấy (cũng là định hướng, giải pháp…)”, Thủ tướng nói.

Tránh dàn trải

Từ những hạn chế này, một lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận, các ngành công nghiệp Việt Nam cần rút ra bài học như: Đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, không đầu tư dàn trải mà tìm trọng tâm cho từng giai đoạn, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao chất lượng các chiến lược, quy hoạch... Theo đó, chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đang được Bộ Công Thương xây dựng sẽ đi theo hướng điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp.

Về vấn đề điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp, cần từng bước điều chỉnh từ chủ yếu dựa trên số lượng sang chất lượng, dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Sự điều chỉnh này phải gắn với nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam; nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động, tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp. Đối với việc phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, theo ông Giám, cần khai thác một cách hiệu quả, lựa chọn hợp lý để tạo động lực cho phát triển do nguồn lực này là có hạn. Các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, đối với một số ngành công nghiệp mũi nhọn, chúng ta đã có chủ trương để tập trung phát triển. Công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, do cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đồng bộ nên các ngành công nghiệp này chưa có sự đột phá, thậm chí còn “thất bại”. “Thời gian tới chúng tôi sẽ trình Chính phủ chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, trong đó tập trung vào xây dựng cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh cho các ngành công nghiệp mũi nhọn. Nếu chúng ta làm tốt như vậy mới đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp”. Đồng tình quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng,chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu, giảm thiểu việc NK, tăng khả năng chủ động sản xuất.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương hoàn thiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28-2-2014. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương cần rà soát, làm rõ các giải pháp thực hiện, bổ sung các tiêu chí cụ thể đối với các dự án đầu tư, các nhà máy sản xuất các sản phẩm ưu tiên, đồng thời xác định rõ mốc thời gian các ngành công nghiệp Việt Nam đáp ứng được các mục tiêu của quy hoạch, yêu cầu của thị trường trong nước, có tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.


Lượt xem: 201

Thống kê truy cập

Đang truy cập:436

Tổng truy cập: 18628410