Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Khởi động các dự án đường cao tốc

2021-04-01 09:13:00.0

Là đô thị hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, việc đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với một số tỉnh, thành phố lân cận góp phần phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng.

Đoạn cầu Phước Khánh nối huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) thuộc đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đang được thi công.

Là đô thị hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, việc đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với một số tỉnh, thành phố lân cận góp phần phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện dự án, mới đây, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước đã có cuộc họp bàn phối hợp triển khai dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 73 km, trong đó đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài khoảng 2 km (dự kiến kết nối vào đường Vành đai 2 tại nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức). Đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài 60 km và tỉnh Bình Phước dài 11 km. Tuyến cao tốc này được thiết kế sáu đến tám làn xe. Dự kiến, dự án đường cao tốc còn kéo dài đến cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) kết nối với nước bạn Cam-pu-chia để gia tăng hiệu quả thông thương hàng hóa.

Lãnh đạo hai địa phương đề xuất hai phương án: Phương án 1, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 33.800 tỷ đồng với mặt cắt đường 24,75 m. Phương án 2 có tổng vốn đầu tư dự kiến 28.200 tỷ đồng với thiết kế mặt cắt đường 17 m. TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị thống nhất chủ trương sớm đầu tư cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đồng thời giải phóng mặt bằng một lần đủ lộ giới quy hoạch, đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Thống nhất để UBND tỉnh Bình Phước chủ trì làm việc với các bộ, ngành và địa phương về phương thức đầu tư, nguồn vốn thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho rằng, dự án tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là công trình giao thông trọng yếu và hết sức cần thiết, là tuyến đường quan trọng nằm trong quy hoạch kết nối Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ và phía đông, phía tây của TP Hồ Chí Minh. Do vậy, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết tâm xúc tiến triển khai ngay dự án, vướng đến đâu gỡ đến đó để công trình sớm được khởi công.

Trước đó, từ cuối năm 2019, UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kết ghi nhớ phối hợp, thúc đẩy dự án tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Theo kết quả khảo sát, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài 53,5 km bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) với tổng mức đầu tư dự kiến 10.688 tỷ đồng bằng hình thức đối tác công - tư (PPP). Công trình được đề xuất đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu được chia thành hai phần: TP Hồ Chí Minh - Trảng Bàng (dài 33 km, có quy mô bốn làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/giờ) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5 km, bốn làn xe, tốc độ 80 km/giờ). Ở giai đoạn hai sẽ nâng lên sáu đến tám làn xe. Theo kế hoạch, trong năm 2021, hai địa phương thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến, đến năm 2025 công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, hiện nay, quốc lộ 22 là tuyến quốc lộ duy nhất nối TP Hồ Chí Minh với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ quốc tế thông thương tới các nước trong khu vực ASEAN đã quá tải và thường xuyên ùn tắc. Do đó, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài hình thành sẽ giảm tải cho tuyến quốc lộ 22 và góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ sớm thông qua kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho TP Hồ Chí Minh và sớm có Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để sớm thực hiện dự án này.

Cùng với một số dự án đường cao tốc đang được kỳ vọng sẽ sớm triển khai đầu tư xây dựng, TP Hồ Chí Minh đã và đang thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án mở rộng đường cao tốc cũng như dự án đang triển khai. Với dự án mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, trong đó xây dựng nút giao An Phú - điểm đầu của đường cao tốc, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư bố trí vốn ngân sách Trung ương cho phần xây lắp của dự án khoảng 3.281 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi nhận định, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây rất cấp thiết, không chỉ tăng năng lực giao thông, giảm tải cho tuyến này mà còn chuẩn bị sẵn sàng đón lượng khách lớn khi sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đưa vào vận hành vào cuối năm 2025.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, chính quyền TP Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh, thành phố có dự án đầu tư đường cao tốc phải tăng tốc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, cơ sở pháp lý kết hợp đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để có cơ sở bố trí vốn triển khai sớm các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, những trục xương sống được ưu tiên đầu tư là mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; hoàn thiện đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; triển khai nhanh tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; khép kín đường Vành đai 2 và Vành đai 3…


https://nhandan.com.vn/

Lượt xem: 1678

Thống kê truy cập

Đang truy cập:537

Tổng truy cập: 18511206