Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Kết quả công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2016 của Chi cục Quản lý thị trường

2016-12-26 09:49:00.0

Công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2016 của Chi cục Quản lý thị trường đã đạt nhiều kết quả tích cực

Tình hình chung:

Về hàng giả: Tập trung chủ yếu là hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chưa phát hiện giả về công dụng chất lượng. Trong nhóm hàng giả mạo nhãn hiệu thì lượng hàng giả về thời trang, điện máy, điện tử chiếm tỉ trọng cao nhưng ít có đơn đề nghị xử lý của chủ thể quyền nên số vụ việc không nhiều; còn hàng giả thuộc các nhóm thực phẩm, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón có tỷ lệ thấp hơn thì lại có số vụ việc nhiều hơn do lực lượng Quản lý thị trường chủ động kiểm tra và thông báo chủ sở hữu quyền phối hợp xác minh, xử lý.

Về hàng hóa xâm phạm quyền: chủ yếu là giải quyết theo yêu cầu của chủ thể quyền, số vụ việc phát sinh không nhiều. Nhóm hàng hóa vi phạm thường là vật liệu xây dựng, đồ kim khí, mỹ phẩm.

Như vậy, việc Sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm, tùy theo từng thời điểm thì có thể mặt hàng này tăng thì mặt hàng khác lại giảm và ngược lại. Một số mặt hàng thường bị giả mạo nhãn hiệu như bột niêm Knorr, bột ngọt Ajinomoto, các loại sửa tắm, dầu gội, chất tẩy rửa, bình gas dân dụng loại 12kg/bình, đồng hồ, máy tính CASIO… với thủ đoạn ngày càng tinh vi, được thực hiện tại các phòng trọ, khu vực có nhiều công nhân và ngoài giờ hành chính.

Kết quả kiểm tra, xử lý:

Trong năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 30 vụ, phát hiện vi phạm 27 vụ. Đã xử lý: 30 vụ (có 03 vụ từ năm 2015 chuyển sang, mặt hàng bột nêm, ghế gỗ và áo ngực). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 361.900.000 đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 1.444.931.000 đồng. Chủ yếu là các hành vi giả mạo nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Kiểm tra, xử lý hàng giả bột ngọt và sơn trét tường.

Mặt làm được và khó khăn, tồn tại:

- Chi cục đã nhanh chóng xây dựng và thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp. Có quan tâm đến công tác tập huấn, đào tạo để tăng cường kiến thức về chống hàng giả, về SHTT cho lực lượng.

- Giải quyết các Đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm về SHCN trong thời gian sớm nhất có thể, với kết quả hợp lý và theo đúng quy định của pháp luật.

- Sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi kịp thời và nhịp nhàng.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề khó khăn, tồn tại:

- Trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ vẫn còn hạn chế và chưa đáp ứng kịp thời tình hình thực tế về sự tinh vi và khó phân biệt giữa hàng thật, hàng giả và ranh giới giữa hàng giả, xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

- Lực lượng QLTT phải đảm trách rất nhiều nhiệm vụ nên không thể tập trung và kiểm tra, xử lý hiệu quả đối với xâm phạm quyền SHCN.

- Một số doanh nghiệp chưa phối hợp tốt trong công tác kiểm tra, xử lý và cung cấp thông tin về sản phẩm cho cơ quan chức năng. Một số mặt hàng xác định là giả, đã tạm giữ nhưng không tìm ra người đại diện SHCN tại Việt Nam nên phải trả lại hàng.

- Việc trưng cầu giám định hoặc xin ý kiến của cơ quan chuyên môn đang có chiều hướng xấu do chậm trả lời (có trường hợp không trả lời), do có ý kiến trái ngược gây khó khăn cho cơ quan thực thi giữa Viện KH SHTT, Cục Sở hữu trí tuệ và Thanh tra Bộ Khoa học công nghệ.

- Văn bản quy phạm pháp luật về hàng giả, xâm phạm quyền, cạnh tranh không lành mạnh… có nhiều nội dung chồng chéo, trùng lắp nên khó áp dụng hoặc dễ dẫn đến tùy tiện, không thống nhất giữa các lực lượng phối hợp.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại địa tỉnh Bình Dương, Chi cục QLTT kiến nghị:

- Cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền SHTT. Cần phân biệt rõ ràng giữa chế tài hành chính, hình sự giữa giả nội dung và giả về hình thức, giữa văn bản quy phạm pháp luật chung (hệ thống Thương mại) và hệ thống luật chuyên ngành (Luật SHTT và các Luật khác có liên quan). 

- Tăng cường công tác đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ cho lực lượng Quản lý thị trường.


Lượt xem: 410

Thống kê truy cập

Đang truy cập:502

Tổng truy cập: 18587465