Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nhập - Đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế

2014-02-10 16:22:00.0

Hội nhập kinh tế có thể là đòn bẩy để thực hiện những công cuộc cải cách cần thiết cho Việt Nam. Các định hướng và yêu cầu của các FTA mới đều rất phù hợp với Việt Nam về tái cấu trúc nền kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan chia sẻ cùng phóng viên Kinh tế Việt Nam trước thềm Xuân Giáp Ngọ 2014.

Hội nhập kinh tế có thể là đòn bẩy để thực hiện những công cuộc cải cách cần thiết cho Việt Nam. Các định hướng và yêu cầu của các FTA mới đều rất phù hợp với Việt Nam về tái cấu trúc nền kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan chia sẻ cùng phóng viên Kinh tế Việt Nam trước thềm Xuân Giáp Ngọ 2014.

Năm 2013 đã qua với rất nhiều khó khăn và thách thức cho nền kinh tế, bà có đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam?

Năm 2013, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu ổn định, lạm phát về cơ bản được kiềm chế với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 5,3-5,4%. Dù vậy, cùng với khó khăn chung của kinh tế thế giới, chúng ta vẫn đang phải đối diện với những thách thức ngắn hạn như nợ xấu của hệ thống ngân hàng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, hàng tồn kho, sự trì trệ của thị trường… làm cho tình hình thêm phức tạp. Đặc biệt, tình hình nợ xấu vẫn chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền, thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những nỗ lực để làm “ấm” thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả. Gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản cho đến nay chưa mang lại kết quả đáng kể.

Tình trạng trên đã tác động bất lợi đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế nước ta vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ, sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn. Điều này thể hiện khá rõ qua số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng lên. Ước tính năm 2013, cả nước có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động.

Năm 2014 và những năm tiếp theo, Việt Nam có thể tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng như EU, Mỹ, Nhật Bản… Bà có thể chia sẻ tác động của các FTA đối với nền kinh tế Việt Nam?

Năm 2014 và nhất là từ năm 2015 trở đi thì một loạt các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán sẽ được hoàn thành và lúc đó chúng ta sẽ có quan hệ kinh tế thương mại với 55 nền kinh tế khác trên cơ sở các cam kết mới của FTA, những FTA được coi là thế hệ mới với mức độ cam kết sâu hơn và rộng hơn, tạo ra những cơ hội và thách thức lớn hơn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Về cơ hội, rõ ràng thị trường của các nước và thế giới sẽ mở rộng hơn cho Việt Nam thông qua việc dỡ bỏ các hàng rào cơ bản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như thuế quan cho hàng nhập khẩu (giảm xuống mức thấp nhất từ 0% - 5%), các hàng rào kỹ thuật vẫn được sử dụng nhưng có sự kiểm soát để không gây nên những cản trở cho tự do hóa thương mại.

Luồng đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên và nếu chúng ta thiết kế tốt, sẽ chọn lựa được các nhà đầu tư có chất lượng cao mang lại chất lượng tốt cho nền kinh tế chứ không chỉ dừng lại ở số vốn cam kết như những năm qua. Với sự phát triển đó, trao đổi công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối Việt Nam với thị trường nước ngoài, với các chuỗi giá trị sản xuất trên thế giới sẽ được gia tăng.

Đối với thách thức cho Việt Nam, sẽ có rất nhiều nhưng chủ yếu tập trung ở hệ thống thể chế của Việt Nam để đáp ứng với nhu cầu mới, thực hiện các cam kết mới cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên rất nhiều mặt.

Năm 2014 được dự báo kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm chạp, vậy Việt Nam sẽ cần chuẩn bị như thế nào để đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững trong bối cảnh mới, thưa bà?

Các nước trên thế giới đang có hướng đi cơ bản để cải cách hệ thống thể chế và sự cân bằng trong tăng trưởng với hàm ý là tăng trưởng phải mang lại lợi ích dài hạn hơn cho người dân và tham vấn người dân trong quá trình tăng trưởng đó nhằm tạo sự công bằng. Đồng thời nhấn mạnh vào vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực tư nhân, coi đây là động lực chính của tăng trưởng hay là hướng tới tăng trưởng xanh theo hướng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn, tăng cường hội nhập kinh tế bằng cách tăng cường hợp tác với các đối tác khác nhau trên thế giới.

Việt Nam cần học hỏi rất nhiều ở các nước khác như Thái Lan khi họ định hướng phát triển mô hình tập trung vào công nghệ cao, họ đưa ra những yêu cầu, mục tiêu rất cụ thể về các ngành công nghệ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nhìn nhận cách các nước sử dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa hay khu vực tư nhân như động lực tăng trưởng kinh tế.

Năm 2014 là năm bản lề quan trọng cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 và chuẩn bị tốt cho giai đoạn 2015-2020. Việt Nam phải chuyển tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thay đổi về cách thức tăng trưởng dựa vào các trụ cột như là tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ, doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư bên ngoài. Chúng ta phải tăng trưởng dựa vào chất lượng cao của lao động, dựa vào các kỹ năng, sáng kiến của kỹ thuật, từ đó mới có thể tạo nên năng suất, chất lượng cao hơn. Đặc biệt là các nguồn lực của đất nước như các nguồn tài nguyên, con người phải được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn bà!


Lượt xem: 118

Thống kê truy cập

Đang truy cập:551

Tổng truy cập: 18561183