Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017 của Bình Dương: thành tựu và nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới

2018-04-10 14:00:00.0

Tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước.

Đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đang bước vào giai đoạn thực hiện hội nhập sâu hơn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu thực thi các biện pháp cụ thể của lộ trình cam kết đến năm 2025 với các tiêu chí giám sát và đánh giá thiết thực hơn. Năm 2017, là năm có nhiều dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình HNKTQT như: là năm thứ 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN; Việt Nam tổ chức thành công năm APEC 2017 với hàng loạt các hội nghị lớn được tổ chức trong nước và các sáng kiến mới được đưa ra, góp phần quan trọng vào tiến trình mở rộng hợp tác và thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, trọng tâm là việc tái đàm phán và ký kết thành công Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) của 11 nước thành viên.

Thực hiện theo xu thế chung của cả nước, Bình Dương đã từng bước chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong năm 2017, tỉnh Bình Dương đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kịp thời ban hành các nghị quyết và quyết định cụ thể hóa gắn với việc thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bình Dương đã tổ chức triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả trên một số nhiệm vụ chính, cụ thể như sau:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin và các quy định pháp luật về hội nhập: tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các cam kết gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị và hội thảo, các chuyên mục trên báo, đài phát thanh truyền hình địa phương và các website của các Sở, ban, ngành, địa phương để nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân qua những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập. Trong đó, nội dung trọng tâm là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực thuế, hải quan, thu hút đầu tư, bảo hiểm,... ; các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết. Cụ thể: đã tổ chức “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và định hướng thúc đẩy AEC đến năm 2025”; cử cán bộ tham gia khóa bồi dưỡng “Cộng đồng ASEAN và quá trình tham gia của Việt Nam”; Hội nghị về cải thiện chỉ số sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm trí tuệ, triển khai thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương,... đặc biệt là việc tuyên truyền thông tin về diễn biến và kết quả của Hội nghị cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 tại Đà Nẵng với việc thống nhất thỏa thuận được nội dung của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP).

UBND tỉnh Bình Dương gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại tỉnh. Ảnh: Kim Ngân.

2. Công tác xúc tiến đầu tư - thương mại, du lịch và hợp tác quốc tế: các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hợp tác quốc tế được các cơ quan, ban ngành thường xuyên triển khai nhằm trao đổi thông tin về các vần đề kinh tế, pháp luật, môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp, ... Trong đó, năm 2017 đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch đến các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Úc, New Zealand, Đức, Hà Lan, Ý, Pháp, Công hòa Séc, Phần Lan, Ba Lan, Cu ba,…. Cụ thể: tỉnh đã tổ chức cho đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia 11 chương trình hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài như: hội chợ nông sản và công nghiệp tại tỉnh DakLak, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội; Hội chợ Quốc tế Havana 2017 và khảo sát thị trường Cuba, các nước Trung Đông và vùng Caribe; tham dự hội nghị thượng đỉnh các thành phố Châu Á – Thái Bình Dương tại thành phố Daejeon (Hàn Quốc); tổ chức 4 chương trình đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp thuộc khối các nước nói tiếng Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư – thương mại đã đem lại những thành công to lớn trong sự phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu, cụ thể: thu hút đầu tư nước ngoài được 2 tỷ 557 triệu USD, vượt 82,6% kế hoạch, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài lên 30.34 dự án, với tổng số vốn đầu tư là 28,33 triệu USD; Đầu tư trong nước được 44.046 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh tăng 51,4% so với năm 2016, nâng tổng số doanh nghiệp lên 30.571 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 234.722 tỷ đồng. Xuất khẩu năm 2017 đạt 28,53 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 23,81 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2016; Xuất siêu đạt trên 4,7 tỷ USD.Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại cũng được lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các Sở, ban, ngành xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và mở rộng các hoạt động thương mại, hợp tác đầu tư với các địa phương nước ngoài.

3. Công tác giáo dục - đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập: Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là một trong những nội dung được tỉnh hết sức quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành trong tiến trình hội nhập, thực hiện các cam kết với WTO. Trong năm qua, công tác đào tạo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập từ cấp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đến các cấp trung học phổ thông. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, nước ngoài trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trong đó nổi bật là việc hợp tác với thành phố Eindhoven (Hà Lan) trong việc đào tạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu,... thuộc đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương; tiếp tục thực hiện chương trình tiếp nhận và cấp học bổng đại học cho sinh viên Lào, Campuchia. Ngoài ra, hàng năm các Sở, ban, ngành đều xây dựng kế hoạch và cử cán bộ theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực hành chính công, quy hoạch - xây dựng, luật thương mại quốc tế, nghiệp vụ lễ tân đối ngoại theo tinh thần của Chương trình 20-CTr/TU ngày 18/8/2016 của Tỉnh ủy về việc nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý, can bộ khoa học – kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Bình Dương.

4. Công tác bảo vệ mội trường và phát triển bền vững: Tỉnh đã tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ về lĩnh vực mội trường trong giai đoan 2016- 2020. Trong đó, trọng tâm là việc tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường như: tổ chức xét tặng giải thưởng môi trường Bình Dương năm 2017 đối với 66 tổ chức, cá nhân và công đồng, trong đó có 15 tổ chức, cá nhân đoạt giải ; chương trình Đồng hành cùng thiên nhiên hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2017; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và triển khai các văn bản pháp luật mới cho doanh nghiệp và cán bộ làm công tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cấp huyện, xã; triển khai xây dựng Chương trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực môi trường hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh trong lĩnh vực môi trường, đồng thời nâng cao công tác phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thãi có nguy cơ ô nhiễm, kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa ô nhiễm cũng được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý môi trường. Ngành môi trường đã tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành danh mục ngành nghề, vùng, địa điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường và các giải pháp phòng ngừa, xử lý, theo đó đề xuất 12 ngành nghề hạn chế thu hút đầu tư và tập trung quản lý; công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm được tăng cường thông qua hệ thống quan trắc tự động; kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị, đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.

5. Phát triển cơ sở hạ tầng: Bình Dương luôn dẫn đầu chỉ tiêu về đầu tư cơ sở hạ tầng những năm qua. Việc phát triển mạnh mẽ và đột phá cơ sở hạ tầng của tỉnh là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước hội nhập sâu với thế giới. Trong năm 2017, tiếp tục thực hiện Chương trình 43-CTr/TU ngày 13/7/2012 của Tỉnh ủy về đẩy nhanh tiến độ danh mục các công trình trọng điểm và Chương trình số 23-CTr ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy về việc huy động và phát huy nguồn lực từ các thành phân kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp (hiện toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với diện tích hơn 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đất 69,5% và 12 cụm công nghiệp với diện tích là 814,8 ha, tỷ lệ cho thuê đạt khoảng 64,7%). Bên cạnh đó, thực hiện theo Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 24-CTr/TU ngày 16/08/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020, Quyết định số 1152/QĐ-UBND ngày 08/5/2017 về việc Kế hoạch triển khai dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương đến năm 2025, qua đó khuyến khích và tạo điều kiện thuận cho các thành phần kinh tế tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ cho sản xuất công nghiệp và thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để đáp ứng được các yêu cầu xuất xứ hàng hóa mà Việt Nam đã cam kết trong các hiêp định thương mại, Bình Dương đã triển khai nghiên cứu thực hiện đề án “Nâng cao tỷ trọng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” và đề án xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ (huyện Bàu Bàng) nhằm thu hút các ngành nghề sản xuất nguyên, nhiên vật liệu nhằm hỗ trợ cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đồng thời đề ra các giải pháp để nâng cao hàm lượng tri thức và công nghệ mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm xuất khẩu.

6. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc: Đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao với nội dung, hình thức phong phú và đa dạng; trọng tâm là các hoạt động dịp lễ, tết và chào mừng các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của tỉnh và cả nước như: Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (01/01/1997 – 01/01/2017), Festival Đờn ca Tài tử Quốc gia lần thứ II – Bình Dương năm 2017; Hội chợ, triển lãm mua bán, trưng bày hàng hóa, sách, tài liệu, triển lãm ảnh “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”; các chương trình giao lưu văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc,…; tổ chức 4 lễ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Lễ Hội Chùa Bà Thiên Hậu và Lễ hội cúng Ông Bổn của người Hoa, Lễ Hội Cầu mùa của Đồng bào người Sán Chỉ, lễ hội Chăm Khơ Mây của dân tộc Khơ Me,… thu hút sự tham gia của người dân trong và ngoài tỉnh, kể cả khách du lịch người nước ngoài.

7. Chính sách an sinh xã hội: Ngành y tế tỉnh Bình Dương đã triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở các tuyến; tiếp nhận, chuyển giao nhiều kỹ thuật mới từ các bệnh viện đầu ngành trong khám, chữa bệnh; tập trung nguồn lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan; Chương trình bảo hiểm y tế toàn dân được chú trọng thực hiện, đến nay tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,8%. Bên cạnh đó, ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống tiêu độc, khử trùng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong đó, thường xuyên kiểm tra, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công và các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội được Tỉnh quan tâm thực hiện, trong đó năm 2017 đã chi gần 948 tỷ đồng cho hoạt động chăm sóc người có công và các đối tượng xã hội khác; xây mới và sửa chữa 174 căn nhà tình nghĩa và 120 nhà đại đoàn kết; tặng trang thiết bị thiết yếu cho các gia đình chính sách.

7. Công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng: Công tác bảo vệ an ninh chính trị trong hội nhập kinh tế quốc tế được coi trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối các hoạt động chính trị đối ngoại trong thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, đảm bảo an toàn cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đến đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch và làm việc tại địa phương được thực hiện nghiêm ngặt; các cơ quan nội chính luôn chủ động nắm chắc tình hình, đề ra các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động "Diễn biến hoà bình" làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Các cơ quan báo, đài thực hiện cung cấp thông tin theo đúng định hướng, phục vụ tích cực công tác chỉ đạo, điều hành và tạo sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt chú trọng thông tin về việc bảo vệ chủ quyền biển – đảo, tin thời sự, các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

8. Công tác cải cách hành chính: Nhận thức được tầm quan trọng và hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn trong tiến trình hội nhập quốc tế; cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm trong việc thực hiện cải cách hành chính thuộc phạm vi, địa bàn mình quản lý như: rà soát giảm hồ sơ giấy tờ, thời gian giải quyết, niêm yết công khai và thường xuyên cập nhật các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về năng lực, đạo đức, trình độ chuyên môn để thực hiện tốt nội dung xây dựng “Chính quyền thân thiện, công Sở thân thiện”,…. Qua đó, đã cũng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền; tìm ra nguyên nhân để đề ra các giải pháp tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Kết quả, Bình Dương đứng thứ 5/63 tỉnh, thành về Chỉ số cải cách hành chính năm 2016, tăng 2 bậc so với cùng kỳ; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 tăng so với năm trước (64,47 điểm so với 63,57 điểm năm 2016) đứng thứ hai các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ (sau Tp. Hồ Chí Minh), cho thấy Bình Dương đã nghiêm túc phân tích, đánh giá các mặt hạn chế, tồn tại để có giải pháp chỉ đạo, điều hành khắc phục đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhìn chung, trong năm 2017, các Sở, ban, ngành tỉnh đã tập trung bám sát xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hoạt động như: triển khai tốt công tác tuyên truyền và thông tin đối ngoại; các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hợp tác quốc tế và mở rộng thị trường đạt được những kết quả đáng khích lệ; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, chuyển biết tốt cả về nhận thức và hành động; công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực được quan tâm. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế (27/27 chỉ tiêu) đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2016, trong đó chỉ tiêu phát triển công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng khá, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, là một trong những tỉnh xuất siêu cao nhất cả nước. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ kết hợp với việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và 35/NQ-CP của Chính phủ đã tạo kết quả tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Công tác an sinh xã hội được chú trọng toàn diện, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt qua các năm.

Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực, các chỉ số đo lường về hiệu quả quản lý hành chính nhà nước đều đạt mức cao so với cả nước, như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Cải cách thủ tục hành chính, Hội nhập kinh tế quốc tế, Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin,... Quan hệ đối ngoại được tăng cường và đạt được hiệu quả tích cực, nhất là lĩnh vực xúc tiến đầu tư, du lịch và hợp tác quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh Bình Dương năng động, sáng tạo đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phát huy các kết quả về hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được trong năm 2017, Bình Dương tiếp tục đề ra các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong năm 2018 như sau:

1. Về công tác tuyên truyền: Bám sát nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế tại Phiên họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất 2018 theo Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 28/2/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường tổ chức các chương trình tuyên truyền phổ biến về đường lối, chính sách của Nhà nước về HNKTQT, các văn bản pháp luật mới ban hành có tác dụng trực tiếp đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tại các sự kiện quốc tế lớn diễn ra trong năm 2018 như: Diễn đàn Nghị viện liên Châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26), Hội nghị cấp cao tiểu vùng sông Mê Công, Diễn dàn kinh tế ASEAN, …; cập nhật kiến thức thông tin về các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như: CPTPP, FTA Việt Nam – khối EU, RCEP (ASEAN+6), FTA Việt Nam – khối EFTA,… cho cán bộ quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị tập huấn giới thiệu về kiến thức đầu tư nước ngoài, kiến thức và kỹ năng xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.

2. Cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính: Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và của tỉnh, Nghị quyết: số 01/NQ-CP, số 19-2017/NQ-CP ngày 28/4/2017, số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh về đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, thu hút và phát triển nguồn nhân lực có trình độ trên địa bàn tỉnh; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, phát triển đô thị theo quy hoạch, triển khai xây dựng “Thành phố thông minh”; Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách cuả tỉnh đã ban hành, trên cơ sở đó bãi bỏ, thay thế, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết thương mại mà Việt Nam tham gia; Hoàn thiện và công khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch sản phẩm chủ yếu làm cơ sở và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lựa chọn cơ hội đầu tư; Tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải thiện các chỉ số đo lường hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của tỉnh; tập trung vào công tác cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 12/3/2018; Các cơ quan, đơn vị địa phương, đặc biệt là cơ quan Hải quan và thuế nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, xuất – nhập khẩu và thu – hoàn thuế của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ASEAN - 4.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh: Hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các sản phẩm phụ trợ cho ngành sản xuất công nghiệp; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng công nghệ, tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ logistics; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tổ chức hội chợ thương mại tại nước ngoài.

4. Công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế: Tiếp tục triển khai các quy hoạch, bố trí quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và đón đầu làn sóng đầu tư trong nước và nước ngoài vào Bình Dương sau khi các Hiệp định thương mại tư do có hiệu lực. Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư theo đúng định hướng và quy hoạch phát triển của địa phương; hạn chế việc cấp phép đầu tư sản xuất ngoài khu công nghiệp. Tiếp tục vận động chủ đầu tư chuyển đổi công năng một phần diện tích khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh để phát triển theo hướng dịch vụ - thương mại; Triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại hiệu quả, góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch, văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ đối ngoại tỉnh Bình Dương. Tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa Bình Dương và các quốc gia đã ký kết.

Ngoài ra, Bình Dương cũng tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển về các lĩnh vực về kinh tế - văn hóa - xã hội như: văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường,… nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết./.                                                                                                                 


Lượt xem: 671

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1069

Tổng truy cập: 18466134