Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nghị về công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp: phải đảm bảo an toàn tuyệt đối

2017-04-03 10:26:00.0

Đây là chỉ đạo của Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Dành tại Hội nghị về công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2017 do Sở Công Thương tổ chức ngày 30/3/2017 tại thành phố Thủ Dầu Một

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là loại vật tư, hàng hóa đặc biệt có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt do Nhà nước thống nhất quản lý được quy định tại Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội nhu cầu sử dụng vật liệu công nghiệp để khai thác khoáng sản chế biến làm vật liệu xây dựng phục vụ phát triển hạ tầng của tỉnh nhà ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong thời gian qua tình hình thất thoát, mất cắp, buôn bán, vận chuyển trái phép VLNCN ở một số tỉnh thành diễn ra khá phức tạp, xảy ra nhiều tai nạn và sự cố đáng tiếc. Do đó, trong thời gian tới Bình Dương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về VLNCN; tăng cường công tác trao đổi thông tin và phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa các ngành có liên quan góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN và trật tự an toàn xã hội.

Ông Nguyễn Văn Dành – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị được nghe báo cáo về tình hình quản lý vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh và báo cáo tổng kết công tác giám sát các ảnh hưởng do nổ mìn năm 2016. Theo báo cáo trên địa bàn tỉnh hiện có 02 kho chứa VLNCN với tổng sức chứa 80 tấn thuốc nổ và 200.000 cái kíp nổ, cùng với đó là 17 doanh nghiệp sử dụng VLNCN để phục vụ cho hoạt động nổ mìn khai thác đá tại 20 điểm mỏ, tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Bắc Tân Uyên (12 mỏ), thị xã Dĩ An (05 mỏ), huyện Phú Giáo (02 mỏ) và huyện Dầu Tiếng (01 mỏ).

Qua kiểm tra cho thấy, các kho chứa VLNCN đều có lý lịch kho đầy đủ, có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng cho phép đưa vào sử dụng, có đầy đủ các hồ sơ pháp lý đối với doanh nghiệp làm nghề kinh doanh có điều kiện; lập đầy đủ hồ sơ, sổ sách, hóa đơn, chứng từ, cập nhật đầy đủ và ghi chép rõ ràng; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy chữa cháy; công tác bảo vệ kho chặt chẽ, lực lượng bảo vệ 24/24 được huấn luyện nghiệp vụ bảo quản VLNCN và trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ; phương tiện PCCC còn hoạt động tốt; điện trở tiếp đất của hệ thống chống sét đạt yêu cầu; xung quanh kho đều có hàng rào bảo vệ, camera quan sát, đèn chiếu sáng công suất lớn bảo vệ ban đêm; có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp cháy nổ và mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định.

Các doanh nghiệp hoạt động sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh đều có ý thức chấp hành pháp luật một cách đầy đủ và tự giác, các mỏ đều xây dựng và thực hiện đúng theo phương án nổ mìn và phương án giám sát nổ mìn đã được phê duyệt; việc thi công khoan nổ mìn theo trình tự và đảm bảo an toàn; công tác điểm hỏa, tổ chức cảnh giới được tổ chức chặt chẽ; khu vực có nhiều mỏ hoạt động đều có văn bản thể hiện sự liên hệ, phối hợp trong công tác nổ mìn; chỉ huy nổ mìn, công nhân nổ mìn và những người tiếp xúc với VLNCN đều được đào tạo và tập huấn định kỳ theo quy định. Các hộ chiếu nổ mìn được thiết kế đảm bảo yêu cầu kĩ thuật thi công khai thác đá. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ nổ mìn phi điện và tăng cường các giải pháp kỹ thuật khác như: sử dụng thuốc nổ thân thiện với môi trường (Anfo, Nhũ tương), hạn chế sử dụng thuốc nổ AD1, sử dụng bua nước, tưới nước bãi mìn, nạp thuốc nổ vào ống nhựa hoặc bơm hút nước lỗ khoan đã góp phần hạn chế đáng kể những tác động tiêu cực tới môi trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân xung quanh khu vực khai thác mỏ có sử dụng VLNCN.

Tại hội nghị, đại diện một số Sở, ngành và doanh nghiệp đã thảo luận về vấn đề công tác quản lý  an toàn trong sử dụng VLNCN; những quy định về quản lý VLNCN; công tác đổi mới công nghệ;… Hội nghị cũng đã đề ra một số vấn đề cần lưu ý để tiếp tục giảm thiểu những tác động trong nổ mìn khai thác đá.

 Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công Thương đã ghi nhận những đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của các Sở, ngành đơn vị cung ứng và sử dụng VLNCN. Trong năm 2017 Sở Công thương tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp tham mưu tỉnh trong vấn đề VLNCN./.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Toàn cảnh Hội nghị về Vật liệu nổ công nghiệp năm 2017

Ông Lê Khắc Thời – Chánh Thanh tra Sở Công Thương

Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo – PGĐ Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương

Ông Lê Tiến Đoàn – PGĐ Công ty TNHH MTV Cơ khí Hóa chất 14

Ông Võ Minh Đức – Giám đốc Công ty TNHH Đá Xây dựng Bình Dương đại diện cho các nghiệp phát biểu tại Hội nghị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Lượt xem: 226

Thống kê truy cập

Đang truy cập:505

Tổng truy cập: 18406123