Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 dành cho các tỉnh, thành phía Nam và Nam Trung Bộ

2018-02-28 14:46:00.0

Ngày 26/2, tại Tp Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các doanh nghiệp và cán bộ, công chức tại địa phương các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ. Hội nghị nhằm tạo cơ hội để các tham tán Thương mại của Việt Nam ở nước ngoài kết nối và giải đáp các thắc mắc của địa phương, doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến cơ hội đầu tư, kinh doanh, xúc tiến thương mại, cũng như các khuyến nghị liên quan đến các vấn đề tranh chấp thương mại đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Qua đó, cùng tìm ra các giải pháp nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 dành cho các tỉnh, thành phía Nam và Nam Trung Bộ

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương báo cáo kết quả đạt được trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt hơn 231 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2016. Trong đó, có 25 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Góp phần vào thành công trên là sự nỗ lực của doanh nghiệp, của địa phương và còn có sự phối hợp của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thông qua công tác nghiên cứu chính sách của nước sở tại để thông tin đến các doanh nghiệp, hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như là tìm hiểu thị trường, tìm hiểu đối tác, xác minh đối tác,… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa các tham tán và doanh nghiệp như: các thông tin thị trường, ngành hàng chưa cụ thể; chưa đánh giá được cơ hội và tiềm năng phát triển cho từng ngành hàng ở từng thị trường nhất định; công tác cảnh báo các nguy cơ và thách thức liên quan đến các vụ tranh chấp thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa kịp thời… . Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng cũng chỉ ra các hạn chế của doanh nghiệp và Hiệp hội trong việc phối hợp với cơ quan tham tán như: cung cấp thông tin về năng lực sản xuất, về sản phẩm có thế mạnh của mình còn chung chung; chưa mạnh dạn đầu tư phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

Trao đổi với các tham tán, các địa phương và doanh nghiệp kiến nghị được các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn nữa về thông tin, các chính sách của nước sở tại đối với các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu đến, như thuế chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật của các nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các Hội chợ quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm, tăng cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh với các thị trường mới, đặc biệt là thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu và Liên minh Kinh tế Á Âu.

Chiều cùng ngày, phiên thảo luận được diễn ra thông qua đối thoại trực tiếp, từng doanh nghiệp lựa chọn Tham tán thương mại để trực tiếp trao đổi, đặt vấn đề cũng như nêu ra câu hỏi thắc mắc có liên quan đến các vấn đề như: về thời hạn thực thi của Hiệp định thương mại Việt Nam – EU và hiệp định CPTPP; hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may thấp gây khó khăn trong việc mở rộng thị xuất khẩu sang thị trường các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truy xuất thông tin của các đối tác kinh doanh nước ngoài, tránh tình trạng lừa đảo, gian lận thương mại; cung cấp thông tin về các hội chợ quốc tế tại nước ngoài, đồng thời tăng cường tổ chức các hội chợ quốc tế tại Việt Nam (đặc biệt là hàng nông sản) với sự tham gia của các nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ có uy tín của nước ngoài nhằm giảm bớt kinh phí đưa hàng hóa ra nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đề nghị các tham tán thương mại quan tâm nhiều hơn về thông tin chống bán phá giá lĩnh vực thủy sản, nông sản và các thị trường ngách xuất khẩu hàng dệt may, điện tử, linh kiện điện tử, sắt thép… Bên cạnh đó, đại diện đơn vị vận chuyển VietJet và một số đơn vị kinh doanh dịch vụ logistics khác cũng cam kết cung cấp dịch vụ logistics và dịch vụ vận chuyển chất lượng cao với mức giá ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản.

Ông Trần Hiệp Thương – Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc (kiêm nhiệm Slovakia) giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp

Qua việc chia sẻ thông tin thắc mắc của doanh nghiệp, các tham tán thương mại tại các thị trường Châu Mỹ, thị trường Châu Âu, thị trường Châu Á và Châu Phi đã có buổi tiếp xúc trực tiếp để lắng nghe và có sự tư vấn, giải đáp kịp thời cho từng doanh nghiệp về từng vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm. Đồng thời, các tham tán thương mại cũng đưa ra cảnh báo những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trong xuất khẩu và khuyến nghị các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin về sự thay đổi về chính sách của các thị trường xuất khẩu thông qua các trang thông tin của Chính phủ, các Bộ ngành trong nước và nước sở tại. Riêng, các tham tán thương mại một số nước châu Âu và Châu Á cho rằng, doanh nghiệp cần xâm nhập thị trường một cách hiệu quả, không nên ồ ạt, hàng hóa sản xuất theo hướng sạch, liên kết theo chuỗi, chú trọng chất lượng và giá cả cạnh tranh chứ không phải xuất khẩu với số lượng nhiều và giá thấp nhằm tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.

Đại diện Cơ quan Thương vụ tại thị trường Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi trực tiếp giải đáp thắc mắc cho từng doanh nghiệp

Trước khi kết thúc Hội nghị, ông Trần Quốc Khánh đánh giá cao sự đóng góp của các tham tán thương mại trong thời gian qua đã hết sức đồng hành cùng doanh nghiệp đưa hàng hóa Việt Nam đến với thị trường ngoại thông qua công tác nghiên cứu chính sách của nước sở tại để thông báo đến các doanh nghiệp, thông qua các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như là tìm hiểu thị trường, tìm hiểu đối tác, xác minh đối tác, giúp kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí kể cả công tác ký kết hợp đồng. Đồng thời, đề nghị các tham tán đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ, mục tiêu sau: xuất khẩu phải tăng tại tất cả các thị trường; phải có tư duy kiến tạo, tốc độ phản ứng phải nhanh, cách làm phải mới, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp; tìm hiểu kỹ về các cam kết quốc tế (WTO và 11 FTA) để tận dụng các thuận lợi, đồng thời có những tư vấn hoặc cảnh báo sớm về thị trường thông báo cho các doanh nghiệp Việt Nam; sẵn sàng để nhận các yêu cầu từ các doanh nghiệp Nhà trong việc tìm hiểu thông tin các thị trường nước sở tại./.


Lượt xem: 142

Thống kê truy cập

Đang truy cập:533

Tổng truy cập: 18513919