Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VI năm 2019 tại Bà Rịa – Vũng Tàu

2019-07-25 14:02:00.0

Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là hội nghị được tổ chức thường xuyên hàng năm, đây là cơ hội để Sở Công Thương trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương; đánh giá tình hình công nghiệp, thương mại và hiệu quả hợp tác giữa các Sở Công Thương khu vực phía Nam. Năm 2019, Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ VI do Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đăng cai tổ chức vào ngày 12/7/2019 .

Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và hơn 450 đại biểu là của Sở Công thương 20 tỉnh thành phía Nam và hàng trăm doanh nghiệp tham dự.

Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VI năm 2019

Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, với sự nỗ lực của toàn ngành trong việc phối hợp với các sở, ngành ở từng địa phương, đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; cùng với sự linh hoạt, nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp để cải thiện điều kiện sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực, tích cực phát triển thị trường nên tình hình hoạt động công thương nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển; sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực với việc chủ động tìm ra các phương án khả thi nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hiệu quả kinh tế, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. 06 tháng đầu năm 2019, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp toàn vùng tiếp tục tăng trưởng khá, có 10/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 1.381.540 tỷ đồng, 11,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện 55,86 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

 

Chủ tọa điều hành Hội nghị

Nối tiếp đà tăng trưởng trong năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp phía Nam đã chủ động đầu tư, đổi mới cơ cấu và đẩy mạnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, nên hầu hết sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp thâm dụng lao động, các ngành gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động thương mại và dịch vụ trong khu vực vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ khá, thị trường sôi động, phát triển ổn định; hàng hóa phong phú, đa dạng, cung – cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo; quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng ngày được quan tâm. Cơ sở hạ tầng thương mại cũng được quan tâm đầu tư phát triển nên mạng lưới kinh doanh và hệ thống phân phối ngày càng được củng cố va mở rộng, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Hoạt động xuất khẩu của nhiều tỉnh, thành tiếp tục ổn định và phát triển. Mặc dù, vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng đa số các doanh nghiệp đã chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, kim ngạch xuất khẩu của nhiều sản phẩm tăng lên; kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tiếp tục tăng cho thấy sản xuất tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Các giải pháp thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển đã góp phần kiểm soát hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, v.v…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương các tỉnh, thành phía Nam vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước còn chậm. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển mạnh; tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, các dự án điện còn chậm, thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động; Việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO, thực hiện hiệp định FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định CPTPP là thách thức lớn cho hàng hóa trong nước cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Tình hình nội thương và lưu chuyển hàng hóa ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, giá cả các nhiều mặt hàng nông sản luôn biến động và ở mức thấp làm cho thu nhập người dân không ổn định, ảnh hưởng đến sức mua của thị trường; lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó khăn, trong khi các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào vốn vay; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh... phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số chợ có qui mô nhỏ; việc đầu tư xây dựng các chợ tại địa bàn nông thôn, nhất là các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm thương mại ở các huyện khó thực hiện do hiệu quả đầu tư không cao, thời gian thu hồi vốn dài và nguồn vốn ngân sách còn hạn chế; việc chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác chợ còn chậm; Thị trường nước ngoài mở rộng nhanh nhưng cơ cấu thị trường còn nhiều bất cập; khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội và tận dụng triệt để những lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương và khu vực đã ký kết để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế; mặc dù chất lượng hàng hóa nông, thủy sản đã được chú trọng cải thiện nhưng chưa đồng đều, chủng loại còn đơn điệu, nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm; Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ; công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển nên chưa sản xuất được các sản phẩm đủ về chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu; chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất một số ngành hàng xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu, do đó khi giá cả và chính sách biến động sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; hạ tầng phục vụ cho dịch vụ xuất khẩu còn yếu và thiếu đồng bộ như dịch vụ logictics, kho tàng, bến cảng,... làm tăng chi phí và giá thành xuất khẩu, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu,v.v...

Tại Hội nghị, Sở Công Thương khu vực phía Nam đã tập trung đưa ra các giải pháp nâng cao công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực Công Thương trong khu vực. Đặc biệt, là các giải pháp bảo đảm những mục tiêu ngành Công Thương các địa phương khu vực phía Nam đã đề ra của năm 2019, theo đó ngành phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển công nghiệp, thương mại tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước như: chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực ước đạt 2.841.141 tỷ đồng, tăng 12,91% so với năm 2018;tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn khu vực ước đạt 119,79 tỷ USD, tăng 9,35% so với năm 2018

Ông Hồ Văn Bình – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương tham dự Hội nghị (thứ 2 từ phải qua)

Kết thúc Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao quà, gửi lời cám ơn đến lãnh đạo Sở Công Thương nghỉ hưu theo chế độ năm 2018 và thống nhất trao quyền đăng cai chuỗi sự kiện của ngành Công Thương năm 2020 cho Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long.

 

 

Trao cờ đăng cai cho Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long                    

                                                                                                   


Lượt xem: 279

Thống kê truy cập

Đang truy cập:520

Tổng truy cập: 18718639