Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIII năm 2023

2023-10-10 16:46:00.0

Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Khuyến Công 20 tỉnh, thành phố khu vực phía nam lần thứ 13 năm 2023 được tổ chức tại Hậu Giang, diễn ra vào chiều ngày 05/10.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Công Thương, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; đại diện UBND một số huyện của tỉnh Hậu Giang; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Cục CTĐP; một số cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Đỗ Thị Minh Trâm và Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang Nguyễn Văn Quân đồng chủ trì Hội nghị.

 

Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế nước ta cũng chịu tác động đáng kể, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn, nỗ lực phấn đấu, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức triển khai các nội dung hoạt động khuyến công kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở CNNT vượt qua khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của chính sách khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản xuất, kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.

Toàn hệ thống khuyến công từ trung ương đến địa phương đã kịp thời triển khai theo các văn bản của Đảng, Chính phủ, bám sát diễn biến tình hình của cơ sở công nghiệp nông thôn, rà soát đánh giá tính cấp thiết, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Hoạt động khuyến công được triển khai đa dạng, trong đó các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh.

Theo báo cáo, năm 2022 tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 79,07 tỷ đồng, đạt 85,23% so với kế hoạch năm. Trong đó: Tổng kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) thực hiện là 28,99 tỷ đồng, đạt 97,18% so với kế hoạch. Tổng kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) thực hiện là 50,08 tỷ đồng, đạt 79,56% so với kế hoạch. Một số địa phương trong khu vực tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công: Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp,...

 

Phó Cục trưởng Cục CTĐP Đỗ Thị Minh Trâm trình bày Báo cáo tại Hội nghị

Cũng theo báo cáo, năm 2023 tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 101,65 tỷ đồng, tăng 9,57% so với kế hoạch năm 2022, trong đó: Kinh phí KCQG giao theo kế hoạch là 34,5 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2022; kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch là 67,15 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2022. 8 tháng năm 2023, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 42,48 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch năm, bằng 126,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh phí KCQG thực hiện 23,41 tỷ đồng đạt 67,85% kế hoạch năm; Kinh phí KCĐP thực hiện 19,07 tỷ  đồng đạt 28,4% kế hoạch năm.......

Tại Hội nghị các đại biểu đều thống nhất với báo cáo về tình hình hoạt động khuyến công khu vực phía Nam năm 2022 và 8 tháng năm 2023, đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình. Các hoạt động khuyến công được triển khai đa dạng, trong đó các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm CNNT... tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh; nhiều địa phương đã xây dựng được các đề án khuyến công quốc gia điểm tập hợp nhiều nội dung hoạt động khuyến công, cơ bản có chất lượng và tập trung trọng tâm, trọng điểm trong chế biến nông, lâm, thủy sản phát huy các lợi thế so sánh về nguồn nguyên liệu sẵn có để thúc đẩy phát triển CNNT, hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển bền vững. Nhiều địa phương trong khu vực (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu,… ) đã quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã, để chủ động và nâng cao chất lượng đề án, bám sát nhu cầu thực tế từ cấp cơ sở. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục tạo thêm nguồn thu sự nghiệp cho các tổ chức dịch vụ khuyến công tại một số địa phương; dần mở rộng hướng phát triển tích cực cho các đơn vị sự nghiệp trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong bối cảnh mới.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam còn có một số hạn chế cần được khắc phục, như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch còn chậm so với quy định; một số địa phương chưa bám sát diễn biến sản xuất kinh doanh của cơ sở, dẫn đến không đảm bảo tiến độ thực hiện đề án, phải trả lại kinh phí. Bên cạnh một số địa phương tích cực khảo sát, xây dựng các đề án khuyến công quốc gia điểm, đạt hiệu quả cao, tạo sự lan tỏa thì còn nhiều địa phương chưa thật sự mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, phát huy lợi thế cạnh tranh, vẫn tập trung xây dựng các đề án nhỏ, lẻ…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các địa phương cũng đã trao đổi, chia sẻ cách làm hay, hiệu quả công tác khuyến công, nêu những hạn chế, tồn tại, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch khuyến công những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo.

 


Hồng Đào – TTXT

Lượt xem: 2530

Thống kê truy cập

Đang truy cập:506

Tổng truy cập: 18379396