Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII năm 2017

2017-08-07 08:52:00.0

Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII năm 2017

Chiều ngày 3/8, Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII năm 2017.

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị lần này nhằm đánh giá lại kết quả hoạt động của công tác khuyến công năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

1.Kết quả đạt được

- Theo báo cáo đánh giá kết quả hoạt động khuyến công, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2016 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 56.147 triệu đồng, đạt 93,71% so với kế hoạch năm (59.913 triệu đồng). Trong đó:

Kinh phí KCQG: Tổng kinh phí thực hiện là 23.436 triệu đồng, đạt 98,43% so với kế hoạch (23.809 triệu đồng), chiếm 23,23% tổng kinh phí KCQG thực hiện toàn quốc năm 2016 (101.735 triệu đồng) và chiếm 41,74% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Kinh phí KCĐP: Tổng kinh phí thực hiện là 32.711 triệu đồng, đạt 90,6% so với kế hoạch (36.104 triệu đồng), chiếm 26,67% tổng kinh phí KCĐP của cả nước năm 2016 (122.642 triệu đồng) và chiếm 58,26% kinh phí khuyến công toàn vùng.

- Theo báo cáo, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2017 được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 64.710 triệu đồng, tăng 8 % so với kế hoạch năm 2016 (59.913 triệu đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2017 các hoạt động khuyến công tập trung vào đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp; tổ chức hội nghị tập huấn cho hơn 730 người với kinh phí giải ngân 279 triệu đồng (đạt 5,67% kế hoạch). Tập trung vào các nội dung như kỹ năng quản trị doanh nghiệp (DN), quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao kỹ năng tiếp cận các mạng lưới phân phối sản phẩm; nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin trong hoạt động khuyến công.

Đối với hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, trong 6 tháng đầu của năm, đã tổ chức trình diễn 1 mô hình trình diễn kỹ thuật; hoàn thành hỗ trợ 48 cơ sở công nghiệp nông thôn được chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp với số tiền hỗ trợ gần 6,7 tỷ đồng.

Đối với chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, các địa phương cũng đã tổ chức hỗ trợ gần 99 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong cả nước, hỗ trợ cho 37 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng đăng ký thương hiệu với số tiền hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công trên là gần 2,2 tỷ đồng.

2.Kiến nghị các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công.

Để nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương tham dự cho rằng:

Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cho cán bộ phụ trách khuyến công về kỹ năng xây dựng đề án, thẩm định nội dung và kinh phí hỗ trợ, khởi sự cho DN, quản lý DN; các chương trình mang tính đặc thù công nghiệp nông thôn để từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khuyến công, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của cơ sở công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nên rà soát và thống nhất với Bộ Tài chính xem xét, quy định lại nội dung chi, nâng mức chi hỗ trợ một số nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT: Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp; chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới...

Ngoài ra, các Sở Công Thương cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, rút ngắn thời gian xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công để sớm triển khai các hoạt động khuyến công.

3. Đánh giá chung và giải pháp chính để hoàn thành kế hoạch năm 2017 của Cục CNĐP tại Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần VIII năm 2017.

Đại diện 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tại Hội nghi

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương, các hoạt động quản lý nhà nước về khuyến công cũng ngày càng được củng cố. Đa phần các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến công nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển công nghiệp tại các địa phương. Hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công quốc gia cụ thể hóa bằng các dự án, đề án. Qua đó, góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 19/NQ-CP hay Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, Cục Công nghiệp địa phương cho rằng, các hoạt động khuyến công tại phía Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, chưa đa dạng, ít các đề án mang tính liên kết vùng, chuỗi liên kết và tính lan tỏa cao. Đặc biệt, tiến độ thực hiện kế hoạch của một số nội dung trong công tác khuyến công còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp (mới đạt 18,8%)…

Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được chú trọng, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương còn chưa được đẩy mạnh, nguồn thu thấp, số lượng dự án và doanh thu từ hoạt động tư vấn chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của các trung tâm khuyến công…

Cục CNĐP cũng đề ra 12 giải pháp chính để hoàn thành kế hoạch năm 2017, trong đó cần tập trung thực hiện: Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công gắn với việc triễn khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ; Chương trình hành động của Bộ Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP  tại Quyết định số 47/QĐ-BCT ngày 09/01/2017; Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP...; Chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyên công đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn; Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án khuyến công, đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí đúng mục đích; Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định mới về công tác khuyến công để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; Đổi mới đa dạng các hình thức thông tin tuyên truyển, cung cấp thông tin về công nghiệp, khuyến công..; Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng; Huy động thêm nguồn vốn ngoài Ngân sách Nhà nước, phối hợp hoạt động giữa chương trình khuyến công với các chương trình khác như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo…

4.Đoàn Bình Dương tham gia tham luận và phát biểu của Đoàn tại Hội nghị

Tham gia tham luận và phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hà-Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương và bà Phan Thị Khánh Duyên-Giám đốc TTKC&TV PTCN Bình Dương đã nêu lên những điểm mạnh nổi trội của hoạt động khuyến công Bình Dương theo đánh giá của Cục CNĐP và đưa ra một số kinh nghiệm, giải pháp để hoạt động khuyến công thời gian tới đạt hiệu quả hơn.

Đoàn Bình Dương tham dự Hội nghị

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, các chương trình khuyến công Bình Dương đã thực hiện đảm bảo đúng theo kế hoạch đề ra bám sát chương trình đã được ban hành trong kỳ. Kết quả hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương trên địa bàn tỉnh diễn ra đúng tiến độ thực hiện của từng đề án, nội dung đa dạng ở tất cả các chương trình của hoạt động khuyến công, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả mang lại hết sức thiết thực trong giai đoạn hiện nay trong đó tập trung vào các chương trình tuyên truyền chính sách đến các cơ sở CNNT và tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất,.. góp phần cải thiện chất lượng và nâng cao nâng suất hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Điểm nổi bật đáng chú ý là từ năm 2016 đã xây dựng và hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện và một số xã trọng điểm để từng bước củng cố, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thực thi chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh. Số lượng CTV năm 2016 là 17 CTV đến năm 2017 là 20 CTV. Bố trí mỗi phòng Kinh tế 01 Cộng tác viên, 04 huyện phía Bắc của tỉnh bố trí thêm 3 CTV cấp xã/ huyện để đẩy mạnh hoạt động khuyến công tạo sự cân bằng về phát triển CNNT trên địa bàn (Bình Dương là 1 trong 2 trung tâm/20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã thành lập được hệ thống khuyến công viên cấp xã và là tỉnh có cán bộ có trình độ trên Đại học cao nhất vùng (3 người) (theo báo cáo đánh giá của Cục CNĐP).

Trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 36/2015/QĐ-UBND ngày 07/9/2015 về Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Quyết định số 1877/QĐ-UBND ngày 20/7/2016 về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Bình Dương đến năm 2020 để hoàn thiện các văn bản khuyến công ở địa phương về công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến công trên địa bàn. Theo đó hàng năm bố trí ít nhất 5.000 triệu đồng để thực hiện các nội dung chương trình khuyến công. Đây được xem là bước đột phá về kinh phí đối với hoạt động khuyến công Bình Dương kể từ năm 2017 so với các năm trước trung bình mỗi năm là 2.000 triệu đồng.

Công tác khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CNNT bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương. Qua đó, đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp, các địa phương và của nhân dân trong Tỉnh đã tạo ra những bước đột phá mới trong quản lý và điều hành. Các cán bộ liên quan đến hoạt động khuyến công được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về khuyến công trong đó có công tác thẩm định đề án và thẩm định kinh phí từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khuyến công được thông thoáng đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của cơ sở CNNT.

Tại Hội nghị, bà Phan Thị Khánh Duyên - Giám đốc TTKC&TV PTCN Bình Dương đã trình bày bài tham luận: “Những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam” đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khuyến công:

Bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương và bà Phan Thị Khánh Duyên – Giám đốc TTKC&TV PTCN Bình Dương tại Hội nghị

Các địa phương trong khu vực cần xây dựng các đề án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để phát huy thế mạnh từng vùng vực dậy các sản phẩm là thế mạnh của từng địa phương. Tập trung khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Hoạt động khuyến công phải góp phần phát huy lợi thế so sánh và khai thác thế mạnh về các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, về thị trường và lao động tại mỗi vùng, mỗi địa phương để phát triển công nghiệp nông thôn. Phấn đấu mỗi vùng, mỗi địa phương đều có những ngành, những sản phẩm tiêu biểu, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tập hợp liên kết các ngành hàng mà đầu mối là liên kết các hiệp hội của địa phương lại với nhau.

Thường xuyên tổ chức các chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm để nắm bắt nhu cầu của các cơ sở CNNT, phát hiện những tiềm năng đối tác phát triển theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, nguồn lao động, khả năng cung ứng sản phẩm tạo thành một chuỗi liên kết căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương trong khu vực. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.

Thứ nhất: Tăng cường rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bình Dương phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.

Thứ hai: Cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, quản lý sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đúng theo quy định, đảm bảo đạt hiệu quả và thiết thực

Thứ ba: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kiện toàn bộ máy, năng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; xây dựng các phương án tổ chức bộ máy, mạng lưới khuyến công các cấp địa phương cho phù hợp. Thường xuyên mở các lớp nâng cao nâng lực quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công cho cán bộ quản lý ngành Công Thương nói chung và cán bộ làm công tác khuyến công nói riêng

Thứ tư: Các cơ quan quản lý cần thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp và làng nghề truyền thống để tạo hành lang pháp lý và cơ sở cho các chương trình khuyến công đi đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm xác với nhu cầu của DN và thực tiễn. Xây dựng cụm liên kết khuyến công vùng, ưu tiên phát triển thế mạnh, nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều sâu nhất là những ngành công nghiệp có triển vọng tăng trưởng với tốc độ cao và nhu cầu khuyến công của từng địa phương.

Thứ năm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Hoạt động khuyến công phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, góp phần phát huy tốt nhất lợi thế so sánh và khai thác thế mạnh về các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, thị trường lao động để thúc đẩy phát triển CNNT.

Thứ sáu: Thực hiện tốt và mở rộng, phát triển và nâng cao công tác phối kết hợp với các cấp, các ngành, các Viện-Trường, các tổ chức hỗ trợ phát triển khác để hỗ trợ và thực hiện tốt hơn nữa vai trò của công tác khuyến công. Thường xuyên tổ chức học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công nổi trội của các tỉnh/thành để áp dụng thực tế tại tỉnh nhà

Thứ bảy: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến những chủ trương chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn hiểu biết tiếp cận với các nội dung của chính sách từ đó tích cực chủ động tham gia; giúp cho các cấp, các ngành nắm bắt được các chủ trương quy định về khuyến công để chỉ đạo, phối hợp tham gia các chương trình.

Thứ tám: Tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất công nghiệp để từ đó có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Tìm hiểu nắm bắt về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp và tư vấn cho các cơ sở sản xuất CNNT. Nghiên cứu các giải pháp huy động, bổ sung các nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác khuyến công, tranh thủ sự đồng tình hợp tác, ủng hộ của các tổ chức.

Thứ chín: Công tác khuyến công hàng năm phải được sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất các chương trình cụ thể cho năm sau và phương hướng cho các chương trình sắp tới. Cần có chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tập thể, đơn vị có nhiều đóng góp và thành tích trong công tác khuyến công.

Công tác khuyến công là một yếu tố quan trọng và là cánh tay nối dài để giúp Bình Dương đảm bảo triển khai thực hiện các đề án khuyến công thành công và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng và xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại điện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Bình Dương tham dự Hội nghị

 


Lượt xem: 202

Thống kê truy cập

Đang truy cập:457

Tổng truy cập: 18409948