Skip to Content

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hoạt động Thương mại tại Bình Dương trong mùa dịch Covid - 19

2020-06-25 15:15:00.0

CMSC Tính đến nay, tình hình bệnh dịch đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đến nay đã lan rộng ra nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ và các nước Châu Âu là những nước đang chịu ảnh hưởng lớn nhất về phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các quốc gia (có dịch bệnh) đã thực hiện chính sách đóng cửa biên giới, hạn chế người nước ngoài xuất nhập cảnh, thắt chặt kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình thương mại xuất nhập khẩu của thế giới và cả Việt Nam.

 

Hoạt động nắm tình hình tại siêu thị trên địa bàn tỉnh

Riêng Bình Dương, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương đối với các Hiệp hội ngành hàng và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thì hầu hết doanh nghiệp đều gặp phải những khó khăn do ảnh hưởng dich bệnh Covid-19 như: nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn; thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước diễn biến tiêu cực (nhất là thiếu hụt mặt hàng khẩu trang và một số mặt hàng thiết yếu); các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa (đã được ký kết trước đây) với khách nước ngoài bị gián đoạn; thiếu chuyên gia ngoài do việc hạn chế nhập cảnh để phòng, tránh dịch bệnh; khó khăn về tài chính do sản xuất bị gián đoạn,… dẫn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp hiện nay đều giảm, tốc độ tăng trưởng tăng chậm so với cùng kỳ.

Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 690/KH-UBND ngày 20/2/2020 về việc dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Conona (COVID-19) gây ra,. Sở đã làm việc với 12 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, triển khai các nhiệm vụ cần thiết. Theo đó các doanh nghiệp tham gia bình ổn thực hiện nghiêm túc việc dự trữ hàng hóa thiết yếu, luôn đảm bảo về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có kho dự trữ hàng hóa riêng (04 kho) với sức chứa lớn được đặt tại tỉnh Bình Dương (siêu thị Co.op mart, Big C, Lotte tại Khu Công nghiệp Sóng Thần; Siêu thị MM Mega Market tại Khu Công nghiệp Vsip 1...) phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân, ngăn chặn các biểu hiện đầu cơ, găm hàng tạo sốt giá ảo. Bên cạnh đó, xây dựng 03 tình huống diễn biến của dịch bệnh (từ thấp đến cao) và các phương án điều phối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm chủ động đảm bảo cung – cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong các tình huống dịch bệnh có diễn biến phức tạp, như: (1) hỗ trợ vốn vay ưu đãi 0% bằng nguồn  Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại các siêu thị và các kho hàng hóa trên địa bàn tỉnh. (2) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; không để phát sinh tình trạng trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi; (3) Phối hợp cơ quan báo đài liên tục đưa tin chính xác về diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa của Tỉnh, không để phát tán tin đồn thất thiệt, giúp người dân yên tâm, không thu gom, tích trữ.

Tuy nhiên, trước những thông tin tiêu cực diễn biến bệnh dịch trong 02 ngày 7/3 và ngày 8/3/2020 một số người dân đã mua và tích trữ hàng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm như: mì gói, gạo, thực phẩm đóng hộp, gia vị,… nên lượng hàng hóa bán ra tại một số chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị tăng đột biến (có nơi tăng gấp 3 - 5 lần so với ngày thường), đến ngày 10/3/2020 đã ổn định trở lại. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và các nhà phân phối đã chủ động cung cấp đủ lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và biến động về giá.

Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương chủ trì họp triển khai Kế hoạch BOTT

Song song đó, các Siêu thị tăng cường dịch vụ thương mại điện tử và thay đổi mô hình kinh doanh hiện đại  nhằm hạn chế người dân đến những nơi đông người. Đến nay, tư duy mua sắm trực tuyến đang có những chuyển biến tích cực, không chỉ đem lại sự thuận tiện, văn minh, minh bạch thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển của toàn cầu, mà còn tạo động lực thúc đẩy cho các loại hình dịch vụ mới có liên quan về tài chính, giao nhận vận chuyển, trao đổi thương mại của các nhà phân phối, các nhà cung cấp nền tảng công nghệ…phát triển. Từ đó, Bình Dương cũng đã hướng dẫn, vận động doanh nghiệp tăng cường và chuyển hướng kinh doanh mua sắm trực tuyến, tuyên truyền vận động người dân tránh tập trung đông người và tăng cường mua sắm trực tuyến trên các trang, sàn giao dịch thương mại điện tử được Bộ Công Thương công nhận.

Ngoài ra, Sở Công Thương Bình Dương đã phối hợp cùng Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực hiện hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản đến các chợ truyền thống, các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh. Bao gồm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các tỉnh như: thanh long, dưa hấu, xoài, cam, bưởi, thủy, hải sản… Đặc biệt, Sở đã huy động cán bộ, công chức chung tay “giải cứu” 3 tấn thanh long Long An xuất sang Trung Quốc bị ách tắt tại cửa khẩu tháo gỡ một phần khó khăn giúp bà con nông dân./.


Thanh Tâm

Thống kê truy cập

Đang truy cập:538

Tổng truy cập: 19019592