Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2011

2011-07-07 16:38:00.0

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 của Bộ Công Thương đã dành khá nhiều thời gian để đánh giá hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 của Bộ Công Thương đã dành khá nhiều thời gian để đánh giá hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm.
 
Về xuất khẩu, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng GDP cả nước. Đồng thời, xuất khẩu đã góp phần tiêu thụ hàng hóa và cải thiện đời sống của người dân. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó yếu tố tăng do giá ước đạt 15,6% và yếu tố tăng do lượng ước đạt 14,7%, đạt 53% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2011 là 79,4 tỷ USD). Trong đó:
 
- Xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do được lợi về giá, trừ mặt hàng gạo còn lại giá xuất khẩu tất cả các mặt hàng khác đều tăng, như: giá cà phê tăng 57,1%; hạt tiêu tăng 73,7%; cao su tăng  61,7%; hạt điều tăng khoảng 40,9%; chè tăng 4,2%... Do vậy, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu thì đây là nhóm có tốc độ tăng KNXK cao nhất.
 
- Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 13% kim ngạch xuất khẩu. Cũng giống như nhóm hàng nông sản, thuỷ sản, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng trong 6 tháng đầu năm cũng được lợi về giá (dầu thô tăng 41%; than đá tăng 24,3%), nên mặc dù lượng xuất khẩu của mặt hàng dầu thô và than đá đều giảm nhưng KNXK của hai mặt hàng này vẫn tăng so với cùng kỳ (lần lượt là 26,2% và 1,7%), riêng quặng và khoáng sản khác tăng 55,5%.
 
- Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng cao, cao hơn tốc độ tăng trưởng KNXK chung như: sản phẩm hóa chất tăng 54,9%; chất dẻo nguyên liệu tăng 43%; túi xách, va li, mũ, ô dù, tăng 38,6%; giày dép các loại tăng 31%; sắt thép các loại tăng 49,3%... Bên cạnh đó mặt hàng máy vi tính và sản phẩm điện tử mặc dù có tốc độ tăng nhưng không đạt như kỳ vọng chỉ tăng 6,3%; Một số mặt hàng giảm, như: dây điện và cáp điện giảm 4,9%; hoá chất giảm 8,7%; mặt hàng đá quý và kim loại giảm mạnh, giảm 32,1%; mây tre, cói thảm giảm 3%; thủy tinh và các sản phẩm thuỷ tinh giảm 15,4%... Sự sụt giảm của những mặt hàng này đã kéo theo sự sụt giảm KNXK của nhóm, làm cho KNXK của nhóm tăng thấp nhất trong cơ cấu các nhóm hàng, tăng chỉ 17,9%.
 
Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến chưa đồng đều, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung, tuy nhiên vẫn còn một số mặt hàng tăng trưởng không đạt như kỳ vọng như: linh kiện máy tính và sản phẩm, phương tiện vận tải và phụ tùng, thậm chí, có một số mặt hàng tăng trưởng âm như dây điện, cáp điện, hoá chất... đây là điều cần lưu ý để có chính sách, biện pháp hỗ trợ cho những ngành này trong việc đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm.
 
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều có mức tăng trưởng khá. Khu vực thị trường Châu Phi tuy có quy mô còn nhỏ nhưng tăng cao nhất, đạt 71%; Châu Á tăng 36,0% (trong đó: Trung Quốc tăng 56,6%; Nhật Bản tăng 32,4%; Hàn Quốc tăng 79,6%...); Khu vực Châu Mỹ tăng 21,3% (riêng Hoa Kỳ tăng 21,3%); Khu vực Châu Âu tăng 20,4% (trong đó, xuất khẩu sang thị trường các nước EU tăng mạnh nhất 49,1%); tiếp đó là thị trường , riêng thị trường Châu Đại dương giảm còn bằng 80,4% cùng kỳ do xuất khẩu dầu thô giảm.
 
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt xấp xỉ 49 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 21,4 tỷ USD, tăng 29,7%.
 
- Nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 41,2 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 85% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh trong nhóm chủ yếu vẫn là các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, cụ thể như xăng dầu tăng 67,6%, tiếp theo là phân bón các loại (+48,3%), cao su các loại (+44,6%), giấy các loại (28,1%), bông (+103,6%), sợi các loại (+51,5%), vải (+38,1%), nguyên phụ liệu dệt may da giày (+20,8%), kim loại thường khác (+10,8%)…
 
- Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 1,44 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ, trong đó đá quý và các sản phẩm tăng 39%, linh kiện và phụ tùng xe máy tăng 15,6%, linh kiện và phụ tùng ô tô từ 9 chỗ trở xuống giảm 7,8%... Nguyên nhân nhóm này có mức tăng trưởng cao là do 6 tháng năm 2011, nhập khẩu vàng đạt 425 triệu USD, tăng 39% (6 tháng năm 2010 nhập khẩu vàng đạt 306 triệu USD).
 
- Nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng tiêu dùng các loại giảm 3,4%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 67,1%... Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của nhóm hàng tiêu dùng đã có xu hướng chậm lại do việc tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu của các Bộ, ngành. Trong thời gian tới, khi Thông tư  số 20/2011/TT-BCT bắt đầu có hiệu lực, có khả năng lượng xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu cũng sẽ có xu hướng chững lại so với trước đây.
 
Như vậy, so với mức tăng trưởng nhập khẩu bình quân 25,8%, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu có mức tăng trưởng chậm lại hơn 5 tháng năm 2011 (6 tháng tăng 0,7%, 5 tháng tăng 8,5%).
 
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã đánh giá chung về nhập khẩu 6  tháng đầu năm như sau:
-     Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần cải thiện cán cân thương mại, giảm nhập siêu. Cụ thể tỷ lệ nhập siêu/ xuất khẩu đã giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2010 (6 tháng năm 2010, tỷ lệ này là 21,8%) và đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%.
 
-      Nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu tăng, do giá nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh đã làm tăng kim ngạch nhập khẩu chung, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí sản xuất gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
 
-      Nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu và cần kiểm soát nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhập khẩu chung, đây được coi là tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát nhập khẩu.
 
-     Tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng cần nhập khẩu đạt mức cao 25,5%. Trong khi đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 13,6% và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu chỉ tăng 0,7%. Đây là kết quả rất tích cực trong việc kiểm soát nhập khẩu hai nhóm hàng này.
 
-     Nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao hơn so với nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước, cụ thể nhập khẩu của khối nước ngoài tăng 29,7% còn khối trong nước chỉ tăng 22,9%. Nếu không kể dầu thô, nhập siêu của DN nước ngoài 6 tháng đầu năm ước khoảng 1,84 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng nhập siêu cả nước.
 
Như vậy, với tình hình xuất khẩu và nhập khẩu như trên, nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 6,65 tỷ USD, bằng  15,7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức phấn đấu của Chính phủ (là 16%).
 
Về Thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 912 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010.
 
Theo các thành phần kinh tế, khu vực kinh tế nhà nước tăng 31,5%; khu vực kinh tế cá thể và khu vực kinh tế tư nhân đều tăng 26,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,5% và khu vực kinh tế tập thể tăng 18,4%.
 
Theo ngành kinh tế, tăng cao nhất là thương nghiệp (tăng 23,2%); tiếp theo là dịch vụ (22,3%); khách sạn, nhà hàng (19,6%) và cuối cùng là du lịch (19,1%).
 
Thị trường hàng hoá trong nước diễn biến khá sôi động, cung cầu hàng hoá trên thị trường luôn được đảm bảo, mặc dù một số hàng hoá thiết yếu đã có những đợt tăng giá do chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào sản xuất nhưng thị trường đã không xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.
 
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm so với tháng 12 năm 2010 tăng 13,29%. Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian qua tăng là do: Giá nhiều hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu, gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước cùng với việc biến động tỷ giá (nhất là trong 3 tháng đầu năm) đã tác động đến giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng và nguyên liệu nhập khẩu; Chi phí đầu vào tăng (mặt bằng lãi suất ở mức cao, điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, điều chỉnh tăng lương đã tác động đến giá thành hầu hết các mặt hàng trên thị trường); Thời tiết, dịch bệnh diễn biến không thuận lợi trong những tháng đầu năm ảnh hưởng lớn đến nguồn cung hàng thực phẩm và sản xuất nông sản; Giá nhiều loại thực phẩm tăng trong giai đoạn Tết Nguyên đán và các dịp nghỉ lễ dài ngày; Một số địa phương điều chỉnh tăng học phí.
 
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP của các bộ ngành Trung ương và địa phương nên hiện nay, giá cả một số mặt hàng trong nước đã có chiều hướng ổn định và giảm nhẹ, góp phần làm giảm dần mức tăng chỉ số giá tiêu dùng.


Lượt xem: 156

Thống kê truy cập

Đang truy cập:384

Tổng truy cập: 18553951