Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đúng trọng tâm, trọng điểm

2021-05-31 10:11:00.0

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), 3 năm qua (2018-2020), Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ cộng đồng DNNVV, trong đó nổi bật là những hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại (XTTM) và phòng vệ thương mại (PVTM).


Hỗ trợ xúc tiến thương mại

Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 4297/BCT-KH về thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV. Cụ thể, những năm qua, Bộ đã cùng với các hiệp hội, ngành hàng và cơ quan XTTM không ngừng đổi mới cách thức triển khai hoạt động XTTM, đa dạng hóa hình thức để nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM. Riêng trong năm 2020, Chương trình cấp quốc gia về XTTM được phê duyệt có tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ 136 tỷ đồng.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong hai quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương XTTM trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào XTTM và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến, giúp DN tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả ngay tại "nhà".

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đúng trọng tâm, trọng điểm
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ xuất khẩu qua hình thức trực tuyến

Các hoạt động XTTM trực tuyến do Bộ Công Thương triển khai đã giúp DN xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp 5 châu lục (55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, gồm cả các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng như châu Phi, Úc…).

Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho DNNVV trong XTTM, Bộ Công Thương còn huy động cả hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc, góp phần hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tiêu thụ nông sản kịp thời trong hoàn cảnh không thể thực hiện hoạt động XTTM trực tiếp. Đồng thời, giúp nhiều DN ngành công nghiệp như: Dệt may, da giày, điện tử, vật tư y tế, bao bì… duy trì các hoạt động XTTM thông qua hình thức trực tuyến có hiệu quả.

Chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên qian xây dựng các chương trình, đề án, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về PVTM. Đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn DN tham gia ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài và sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Kết quả, công tác bảo vệ các ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ xuất khẩu thông qua đẩy mạnh điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã góp phần hỗ trợ DNNVV ổn định sản xuất và thị trường.

Tính đến cuối năm 2019, Bộ Công Thương đã điều tra 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ, trong đó chủ yếu là sản phẩm thép sản xuất trong nước. Riêng năm 2019, đã khởi xướng, áp dụng 5 vụ việc chống bán phá giá mới đối với nhôm, gỗ MDF, màng BOPP, thép cán nguội, bột ngọt. Đồng thời, Bộ cũng đang thực hiện rà soát cuối kỳ các biện pháp tự vệ áp dụng với phôi thép và thép dài, phân bón DAP và MAP.

Các hoạt động trên đã thu được kết quả khả quan trong nhiều vụ việc PVTM, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu.


https://congthuong.vn

Lượt xem: 6047

Thống kê truy cập

Đang truy cập:542

Tổng truy cập: 18561974