Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hết quý I, lãi suất cho vay giảm xuống 15%

2011-02-10 16:11:00.0

Theo ông Kiêm, cơ sở tính lãi suất bao giờ cũng là lạm phát, trong khi thông lệ hết quý 1 hàng năm, lạm phát bao giờ cũng giảm. Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, hiện nay, lãi suất mà các doanh nghiệp đang vay nằm trong khoảng 17% - 18%/năm, quá cao so với mức chịu đựng của doanh nghiệp.

Theo ông Kiêm, cơ sở tính lãi suất bao giờ cũng là lạm phát, trong khi thông lệ hết quý 1 hàng năm, lạm phát bao giờ cũng giảm. Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, hiện nay, lãi suất mà các doanh nghiệp đang vay nằm trong khoảng 17% - 18%/năm, quá cao so với mức chịu đựng của doanh nghiệp.

 

 

Theo ông, cuối quý I, lãi suất cho vay sẽ giảm xuống khoảng 15%/năm bởi một số lí do.


Thứ nhất, cơ sở tính lãi suất bao giờ cũng là lạm phát, trong khi thông lệ, hết quý 1 hàng năm, lạm phát bao giờ cũng giảm.


Thứ hai, trong dịp Tết Nguyên  đán, nguồn tiền doanh nghiệp thu về sau bán hàng được gửi vào ngân hàng nhiều hơn. Điều này tạo thanh khoản tốt cho hệ thống ngân hàng thương mại, nhờ đó, chi phí vốn của ngân hàng thương mại sẽ giảm và tác động đến lãi suất. Khi lãi suất giảm giải quyết được căng thẳng của quan hệ tiền hàng.


Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietBank nói, sau Tết nhu cầu thanh khoản không còn dồn dập, căng thẳng như trước đó nên lãi suất sẽ giảm theo.


Theo ông, vào những tháng giáp Tết do nhu cầu hàng hóa cao bên cạnh  một lượng hàng hóa khá lớn được đưa vào dự trữ, làm cho yếu tố “cầu kéo” căng thẳng hơn và điều này cũng tác động tiêu cực đến kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết, những yếu tố này gần như cân bằng, vì thế, áp lực lạm phát sẽ giảm đi.


Tuy nhiên, ông Hưởng cho rằng, giá vốn không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng mà yếu tố quyết định đến lãi suất vẫn là cung cầu vốn trên thị trường. Vì thế, kể cả khi huy động 16% - 17%/năm trước đó, nhưng “cả làng” đang cho vay 15%/năm thì không phải ngân hàng cứ muốn cho vay 18%/năm là có thể được.


Dù vậy, khi nhìn tổng thể, ông Cao Sĩ Kiêm vẫn lo lắng: “Để lạm phát xuống thì phải đi từ nhiều yếu tố mà đầu tiên là không lơ là chủ quan”. Theo ông, diễn biến lạm phát từ năm ngoái là bài học còn nóng hổi. Từ đầu quý 1 và 2/2010, lạm phát thấp, nhiều bộ ngành chủ quan và đến cuối quý 3/2010, lạm phát bắt đầu nhích lên và phi mã thực sự vào quý 4/2010, các bộ ngành “vắt chân lên cổ” chạy nhưng vẫn bị lỡ trớn.

Vì vậy, năm nay chính sách tiền tệ phải điều hành nhịp nhàng, đảm bảo hai yếu tố căn bản là cung ứng nguồn vốn kịp thời cho sản xuất và quá trình “bơm - hút” phải trúng địa chỉ. Ngược lại, nếu “bơm” tiền mà không đi vào sản xuất thì chưa nên “bơm”.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong thời gian khoảng một tháng sau Tết Nguyên đán, nếu lãi suất chưa giảm thì Ngân hàng Nhà nước có thể bơm ngắn hạn ra thị trưởng khoảng 50 nghìn tỷ đồng, sau đó sử dụng các công cụ khác để hút về thì lãi suất có thể giảm nhanh hơn.

Một vấn đề khác liên quan tới việc giảm lãi suất VND là giải quyết quan hệ lãi suất giữa đồng tiền “đồng - đô”. Trên thực tế, lãi suất giữa hai đồng tiền này luôn có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu lãi suất VND tăng cao quá, người vay sẽ quay sang vay USD và ngược lại.

Bởi vậy, giữ lãi suất không chỉ quan tâm tới những vấn đề như nói trên mà còn phải để mắt tới yếu tố tỷ giá. Nếu tỷ giá được điều hành ổn định, không bị sốc thì việc kiểm soát giá trị đồng nội tệ sẽ tốt hơn và nhờ đó, sẽ ổn định được lãi suất. 


Lượt xem: 161

Thống kê truy cập

Đang truy cập:509

Tổng truy cập: 18494322