Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hàng hóa được coi là có xuất xứ EVFTA khi nào?

2023-08-09 16:19:00.0

Hàng hóa được coi là có xuất xứ EVFTA khi nào?

Quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng hàng đầu để giúp DN nhận ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Bộ Công Thương đang nỗ lực tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bộ Công Thương đang áp dụng trên toàn quốc hệ thống khai báo C/O điện tử và cấp C/O qua internet. Nhờ đó, thời gian cấp C/O tại các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Cục Xuất nhập khẩu chỉ trong vòng 2 - 4 giờ làm việc, đặc biệt, có phòng giải quyết thủ tục trong khoảng 1 giờ làm việc đối với những lô hàng xuất khẩu bằng đường hàng không.

Từ khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa hưởng thuế suất ưu đãi EVFTA thì nhà xuất khẩu Việt Nam phải xin C/O mẫu EUR.1 tại các đơn vị của Bộ Công Thương.

Các cam kết về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được quy định tập trung tại “Nghị định thư về Quy tắc xuất xứ của sản phẩm và các biện pháp hợp tác hành chính” kèm theo EVFTA.

Về cơ bản, hàng hóa được coi là có xuất xứ EVFTA khi thuộc một trong ba trường hợp sau:

Trường hợp 1: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Trường hợp này bao gồm các hàng hóa được hình thành một cách tự nhiên trong lãnh thổ Việt Nam hoặc EU. Ví dụ như: khoáng sản, động thực vật được hình thành tự nhiên và sản phẩm của các loại động thực vật này… Các trường hợp được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định thư.

Trường hợp 2: Hàng hóa có xuất xứ cộng gộp

Trường hợp này bao gồm các hàng hóa được hình thành từ nguyên liệu có xuất xứ một phần hoặc toàn bộ từ EU/Việt Nam và được chế biến hoặc sản xuất tại Việt Nam/EU thỏa mãn các yêu cầu về quy trình sản xuất theo quy định tại Điều 6 Nghị định thư.

 

 Trường hợp 3: Hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam/EU, sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ.

Hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hoặc EU, sử dụng nguyên liệu không hoàn toàn từ Việt Nam hoặc EU nhưng các nguyên liệu này thỏa mãn các yêu cầu cụ thể về quy trình sản xuất được quy định tại Điều 5 Nghị định thư và Phụ lục II về quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng (Danh mục PSR).

Quy tắc xuất xứ theo từng mặt hàng sử dụng chủ yếu một hoặc một số các tiêu chí:

- Quy tắc tỷ lệ tối đa không xuất xứ (VL): Giới hạn tối đa tỷ lệ nguyên vật liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất, gia công;

- Quy tắc chuyển đổi mã hàng hóa: Chuyển đổi mã HS ở cấp độ 4 số (quy tắc CTH) hoặc cấp độ 6 số (quy tắc CTHS) của sản phẩm cuối cùng so với mã số HS của nguyên vật liệu đầu vào;

- Quy tắc công đoạn gia công cụ thể; và

- Quy tắc công đoạn gia công, chế biến thực hiện trên nguyên liệu có xuất xứ thuần túy.

Quy tắc xuất xứ cụ thể đối với mỗi loại hàng hóa (áp dụng các tiêu chí nào, nội dung cụ thể mỗi tiêu chí) được nêu rõ trong Danh mục PSR./.

 

 


Ngọc Thạch –Phòng QLTM

Lượt xem: 2261

Thống kê truy cập

Đang truy cập:438

Tổng truy cập: 18603000