Skip to Content

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Giai đoạn 2015-2020, Bình Dương không ngừng phát triển Thương mại – Dịch vụ

2020-07-03 13:52:00.0

CMSC Thực hiện Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, ngành Công Thương tỉnh Bình Dương đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, đồng thời với sự nổ lực của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển ngành thương mại – dịch vụ theo kế hoạch đã đề ra.

Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ không ngừng được đầu tư và nâng cấp. Toàn tỉnh có 106 chợ, 03 trung tâm thương mại, 11 siêu thị, hệ thống các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích phát triển... góp phần hình thành môi trường kinh doanh hiện đại, tiên tiến. Giai đoạn 2015-2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 15,8%/năm. Thương mại dịch vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, đã thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế phát triển với nhiều loại hình phân phối (trung tâm thương mại, siêu thị, thương mại điện tử, hệ thống cửa hàng tiện lợi,…). 

Bên cạnh đó, Bình Dương là một trong những địa phương luôn có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước, duy trì mức xuất siêu qua hàng năm. Xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng bình quân 11,4%/năm. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có chuyển dịch theo chiều hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, hỗ trợ, thay thế hàng nhập khẩu. Các mặt hàng chủ lực có quy mô xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định, đồng thời đã phát triển thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu mới thuộc nhóm công nghệ như điện thoại di động, máy vi tính, thiết bị điện tử, đặc biệt là sản phẩm nông sản chất lượng cao. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Nhập khẩu tăng bình quân 11,8%/năm. Nhập khẩu hàng hóa thực hiện đúng định hướng, phục vụ tốt hơn nhu cầu đầu tư, sản xuất trong nước, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Thị trường nhập khẩu được đa dạng hóa, bước đầu đã giảm dần sự phụ thuộc vào những thị trường lớn.

 

Hoạt động mua sắm tại siêu thị Aeon Mall – thành phố Thuận An

Tuy nhiên, hoạt động thương mại dịch vụ giai đoạn 2015-2020 vẫn còn hạn chế, tồn tại. Hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ trên toàn tỉnh; trong đó, tiến độ đầu tư phát triển chợ còn chậm so với phân kỳ trong quy hoạch, nhất là chợ nông thôn. Các ngành dịch vụ chất lượng cao chuyển biến còn chậm. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn mang tính gia công hoặc xuất khẩu dạng sơ chế, chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp nước ngoài. Xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trên 80% xuất khẩu), v.v…

Giai đoạn 2021-2025, ngành Công Thương xác định những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong việc tiếp tục tham mưu triển khai tốt các Chương trình Bình ổn thị trường; tăng cường công tác phát triển hạ tầng thương mại; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics, thương mại điện tử.  Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, gian lận thương mại; phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh; triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp như xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa./.


Kim Cúc - Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập:542

Tổng truy cập: 19019642