Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Gia tăng lợi thế cho xuất khẩu sản phẩm nhựa

2014-08-18 15:18:00.0

Sản phẩm nhựa của Việt Nam đang có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần xuất khẩu nhờ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết. Để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn, ngành nhựa Việt Nam cần tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi, giúp các doanh nghiệp cùng khai thác, định vị thị trường.

Sản phẩm nhựa của Việt Nam đang có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần xuất khẩu nhờ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết. Để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn, ngành nhựa Việt Nam cần tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi, giúp các doanh nghiệp cùng khai thác, định vị thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 992,12 triệu USD, tăng 17,61% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 6, kim ngạch đạt 173,05 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng trước đó. Một điểm đáng lưu ý là thời gian gần đây, giá sản phẩm nhựa của Trung Quốc không còn rẻ nữa mà ngang bằng với giá sản phẩm nhựa của Việt Nam. Do vậy, với lợi thế về chất lượng sản phẩm, nhựa Việt Nam đang tăng ưu thế cạnh tranh.

Nhật Bản vẫn là thị trường đứng đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, đạt 245,98 triệu USD, tăng 25,11% so với cùng kỳ năm ngoái. Túi nhựa, sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển đóng gói, sản phẩm nhựa công nghiệp là ba sản phẩm chính được xuất khẩu sang thị trường này.

Hoa Kỳ là thị trường đứng thứ 2 sau Nhật Bản về nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam với kim ngạch đạt 125,5 triệu USD, tăng 38,69% so cùng kỳ, chiếm 12,65% tỷ trọng xuất khẩu. Sản phẩm nhựa của Việt Nam đang được thị trường Hoa Kỳ tin dùng, nhất là các sản phẩm được dùng nhiều cho ngành xây dựng như tấm, miếng, màng nhựa….
Thị trường EU cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng sản phẩm nhựa Việt Nam nên đơn hàng đã tăng trưởng cao về giá trị như xuất khẩu sang Đức 55,97 triệu USD, tăng 6,26% so cùng kỳ; Hà Lan 50,97 triệu USD, tăng 19,96% so cùng kỳ. Tỷ lệ tăng trưởng của các thị trường trong khu vực EU đạt bình quân từ 3-6,1%/năm.

Đáng lưu ý, thị trường Ấn Độ được đánh giá là thị trường tiềm năng và đầy triển vọng về xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong tương lai. Phạm vi sử dụng sản phẩm nhựa trong các ngành công nghiệp của Ấn Độ đang được mở rộng, nhu cầu đóng gói tăng mạnh. Sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa nông nghiệp, thu nhập tăng và sự tập trung dân cư tại thành thị… cũng đẩy nhu cầu về sản phẩm nhựa công nghiệp, hàng tiêu dùng có sử dụng nhựa tăng cao hơn.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, thời gian qua, ngành nhựa đã chú trọng phát triển xuất khẩu cả chiều rộng và chiều sâu. Nhờ đó, các nhà nhập khẩu quốc tế hiện đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm nhựa của Việt Nam. Dự kiến, năm 2014, xuất khẩu của ngành nhựa sẽ có mức tăng trưởng trung bình từ 13,5-16,5% so với năm 2013.

Dù vậy, khi mà hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng sẽ xuất hiện nhiều hơn sự cạnh tranh, các doanh nghiệp ngành nhựa cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm và tìm hiểu những xu thế mới của các thị trường. Theo hướng đó, các doanh nghiệp cần tập trung hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, chú trọng vào những sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe tiêu dùng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó xây dựng được thương hiệu của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết sản xuất để có thể hình thành chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu quy mô lớn, ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm bởi đây là những lợi thế bất biến dù quá trình hội nhập có nhiều sức ép cạnh tranh hơn”, ông Lam chia sẻ./.


Lượt xem: 348

Thống kê truy cập

Đang truy cập:586

Tổng truy cập: 18492745