Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

GDP quý II/2019 giảm tốc, tăng 6,71%

2019-07-16 15:13:00.0

Trong quý II/2019, GDP ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, đưa GDP của toàn nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt tốc độ tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11,18%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2012-2017, đóng góp 2,38 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng chung.

Diễn biến tích cực của hoạt động sản xuất cũng được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng của chỉ số PMI. Trong khi hoạt động sản xuất của hầu hết các nền kinh tế lớn tại châu Á đều bị thu hẹp và giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế của khu vực châu Á có chỉ số PMI gia tăng trong tháng 6/2019 nhờ sự chuyển hướng của các chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á trong bối cảnh hoạt động sản xuất ở các nền kinh tế khác trong khu vực đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo số liệu của Nikkei, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 6/2019, tăng từ mức 52 điểm của tháng 5/2019. Với kết quả tích cực này, quý II/2019 đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất Việt Nam ở cả 3 tháng trong quý, khi các điều kiện kinh doanh cải thiện nhờ số lượng đơn đặt hàng mới ở mức cao.

Trong khi đó, chỉ số CPI bình quân trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do tác động của tăng giá điện, giá vật liệu xây dựng. Riêng CPI tháng 6/2019 tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, sức ép lạm phát trong nửa cuối năm 2019 sẽ giảm và không còn lớn như 6 tháng đầu năm trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới dự báo duy trì ổn định; nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, sức mua tiêu dùng trong nước ổn định; sức ép lên tỷ giá, lãi suất giảm và Giá hai nhóm hàng là dịch vụ y tế và giáo dục sẽ tăng không đáng kể sau nhiều năm liên tiếp điều chỉnh tăng mạnh.

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng nền kinh tế còn đối diện  không ít khó khăn, hạn chế. Theo đó, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, quý II thấp hơn quý I; công nghiệp chế biến chế tạo khó duy trì tốc độ tăng cao của cùng kỳ các năm trước trong các quý tiếp theo trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực không còn duy trì đà tăng như trước; giải ngân đầu tư công đạt thấp; cán cân thương mại quay lại trạng thái nhập siêu nhẹ...Đặc biệt, ngành nông nghiệp còn gặp khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên trong nửa cuối năm 2019, với những kỳ vọng về các FTA có hiệu lực gần đây sẽ tác động đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu của Việt Nam cộng với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn, dự kiến mục tiêu cả năm 2019 mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01 là 6,6- 6,8% là hoàn toàn khả thi.


Lượt xem: 179

Thống kê truy cập

Đang truy cập:498

Tổng truy cập: 18494406