Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

EU tăng giao dịch thương mại thủy sản, cơ hội và thách thức cho ngành thủy sản

2019-07-24 14:46:00.0

EU là thị trường tiêu dùng thủy sản, cả khai thác và nuôi trồng, lớn nhất thế giới, nhưng nhu cầu thủy sản đang vượt xa nguồn cung nội địa; trong khi đó, dư địa tăng trưởng sản xuất nội địa chỉ còn rất hạn chế. Hệ quả là khối EU ngày càng tăng nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ thị trường thế giới để đáp ứng nhu cầu thị trường, theo phân tích mới nhất của Fisheries and Aquaculture Products (EUMOFA) xác nhận.

Trong báo cáo rà soát các xu hướng thương mại thủy sản mới nhất, EUMOFA nhận thấy trong năm 2018, nhập khẩu thủy sản của EU từ các nước thứ 3 tăng 4% về lượng và 2% về giá trị so với năm 2017, đạt 6 triệu tấn và trị giá 29,2 tỷ USD. Tuy nhiên, giá nhập khẩu thủy sản trung bình cũng giảm 2% xuống còn 4,7 USD/kg, là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng chậm lại giá trị nhập khẩu nói chung.

Các loại cá hồi (6,5 tỷ USD), các loại giáp xác (5,4 tỷ USD) và cá nước sâu (5,1 tỷ USD) là các nhóm hàng thủy sản nhập khẩu mạnh nhất trên thị trường EU, chiếm 58% tổng giá trị nhập khẩu ngoại khối EU. Phân khúc nhập khẩu cá nước sâu tăng 5%, tương đương 228,6 triệu USD trong năm 2018 so với năm 2017; nhập khẩu thủy sản không dùng làm thực phẩm tăng 27%, tương đương 212,9 triệu USD; nhập khẩu thủy sản thân mềm tăng 6% tương đương 170,1 triệu USD trong cùng kỳ so sánh; là các yếu tố đóng góp chính cho tăng nhập khẩu thủy sản ngoại khối của thị trường EU.

Trong khi đó, mức suy giảm giá trị nhập khẩu mạnh nhất diễn ra ở phân khúc giáp xác, với mức giảm 3%, tương đương 170,1 triệu USD trong cùng kỳ so sánh, chủ yếu do giá tôm nước ấm giảm mạnh. Nhập khẩu thủy sản hai mảnh cũng giảm 18%, tương đương 112,6 triệu USD.

Trong tổng giá trị nhập khẩu thủy sản, phân khúc cá nước sâu có mức tăng kim ngạch nhập khẩu mạnh nhất, với mức tăng 110 triệu USD, chiếm khoảng 40% tổng mức tăng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của EU.

Nhập khẩu thủy sản nuôi của EU đến từ 150 nước trên khắp thế giới, nhưng trong năm 2018, gần 50% giá trị nhập khẩu, tương đương 13,6 tỷ USD, chỉ đến từ 5 nước: Na Uy (7,3 tỷ USD, +2% so với năm 2017), Trung Quốc (2 tỷ USD, +0,5%), Ecuador (1,5 tỷ USD, +2%), Moroco (+3%) và Iceland (+16%). Suy giảm nhập khẩu thủy sản mạnh nhất diễn ra ở Ấn Độ (-19%), quần đảo Faroe (-10%) và Thái Lan (-15%).

Trong khi đó, xuấtk hẩu thủy sản EU sang các nước ngoại khối tăng nhanh trong năm 2017 với mức tăng 5% về lượng và 4% về giá trị, lên 2 triệu tấn và trị giá 5,7 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu nhờ cá ngừ và các sản phẩm từ cá ngừ, với mức tăng 15%, tương đương 113,8 triệu USD so với năm 2017. Các nhóm hàng hóa khác có mức tăng mạnh bao gồm các loại giáp xác (+17%, tương đương 86,7 triệu USD), cá tầng nước sâu (+14%, tương đương 57,4 triệu USD) và các loại thủy sản thân mềm (+18%, tương đương 37,2 triệu USD). Mức giảm xuất khẩu mạnh nhất thuộc về nhóm sản phẩm cá hồi, ghi nhận giảm 7%, tương đương 59,7 triệu USD, và cá nước nổi cỡ nhỏ giảm 4%, ương đương 29,3 triệu USD so với năm 2017.

Trong số 182 thị trường mà EU xuất khẩu thủy sản sang trong năm 2018, 5 thị trường chiếm tổng cộng 48% thị phần, tương đương 2,8 tỷ USD.  EUMOFA nhấn mạnh rằng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng tới 191,5 triệu USD nhưng xuất khẩu thủy sản sang thị trường lớn thứ 2 của EU là Mỹ lại giảm 4% trong cùng kỳ so sánh.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, thủy sản Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn khi đạt được những cam kết về cắt giảm thuế suất sâu nhất từ trước đến nay.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong gần 10 năm trở lại đây ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, giá trị sản xuất trung bình mỗi năm tăng khoảng 5%/năm, sản lượng thủy hải sản nuôi trồng và khai thác tăng 4,5%/năm. 

Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, có những ngành hàng mũi nhọn chiếm tỷ trọng lớn, có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là tôm, cá tra, ngoài ra một số mặt hàng có nhiều tiềm năng nâng cao kim ngạch trong thời gian tới như cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể…

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao hơn. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu và vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới được cải thiện. 

Cùng với đó, quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là với CPTPP đã có hiệu lực và EVFTA vừa ký kết, thủy sản Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn khi đạt được những cam kết về cắt giảm thuế suất sâu nhất từ trước đến nay.

CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn diện hơn so với những FTA mà Việt nam đã tham gia trước đó; trong đó, mức độ cam kết về mặt mở cửa thị trường, dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sâu hơn và áp dụng cho tất cả các ngành hàng, kể cả nhóm hàng khó đàm phán như nông lâm thủy sản.

So với các ngành hàng khác, thủy sản được xem là ngành nhạy cảm và các đối tác có phần e dè hơn trong việc cam kết mở cửa nhưng trong CPTPP, các đối tác đã cam kết xóa bỏ ngay hoặc xóa bỏ trong vòng 2-3 năm với hầu hết sản phẩm thủy sản sơ chế của Việt Nam, bao gồm cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua và nhuyễn thể. Các sản phẩm thủy sản chế biến cũng được xóa bỏ thuế theo lộ trình 5-10 năm.

Đáng chú ý, Canada đã xóa bỏ 100% các dòng thuế đối với thủy sản Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, Mexico cam kết xóa bỏ thuế đối với cá tra Việt Nam sau 2 năm, sau 3-5 năm xóa bỏ 60% số dòng thuế… 

Ngoài ra, Nhật Bản cũng cắt giảm thuế sâu hơn cho thủy sản Việt Nam so với Hiệp định thương mại tự do song phương đã được thực thi trước đó.  

Mặc dù vậy, việc thực thi CPTPP chỉ mang lại ý nghĩa cắt giảm thuế quan thực sự cho xuất khẩu Việt Nam ở 3 thị  trường là Canada, Mexico và Peru vì các thị trường còn lại đều đã có FTA chung từ trước.

Còn với EVFTA, cơ hội cho Việt Nam là cực kỳ lớn bởi cùng lúc được tiếp cận thị trường với 28 quốc gia chưa từng có FTA nhưng lại là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất nhì của Việt Nam những năm qua; trong đó, 50% số dòng thuế của thủy sản sơ chế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại cắt giảm theo lộ trình 3-7 năm; thực phẩm từ thủy sản cũng được xóa bỏ thuế sau 6-8 năm.

Với mức cam kết cắt giảm thuế như trên, EVFTA vẫn chưa mang lại lợi thế thuế quan ngay cho các doanh nghiệp bởi hiện tại hầu hết sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU đang được hưởng thế suất ưu đãi đơn phương (GSP) từ 0-4% mà EU dành cho một số ngành hàng được đánh giá là chưa trưởng thành. Tuy nhiên, khi EU rút lại các ưu đãi đơn phương thì những cam kết thuế quan từ EVFTA sẽ phát huy tác dụng và mang lại tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VASEP cả CPTPP và EVFTA đều hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các đối thủ hiện nay như Thái Lan, Ấn Độ. 

Không chỉ tạo lợi thế xuất khẩu, các FTA này còn tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, EVFTA còn mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiêp Việt Nam  tiếp cận máy móc, thiết bị công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản của khu vực, thế giới nhờ hoạt động chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.

Cơ hội rất lớn xong thách thức đối với thủy sản Việt Nam cũng không nhỏ, đáng kể nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để được hưởng ưu đãi. 

Bên cạnh đó, những cam kết về mặt môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi quy trình sản xuất, đánh bắt, chế biến và nâng cao năng lực quản trị.

Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng những thách thức đó là quy luật tất yếu mà doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đáp ứng, không chỉ để tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan mà còn đảm bảo sự phát triển ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cạnh tranh, phát triển một cách bền vững.


Lượt xem: 663

Thống kê truy cập

Đang truy cập:725

Tổng truy cập: 18485396