Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Doanh nghiệp lên kế hoạch tận dụng ưu đãi từ CPTPP

2018-04-02 08:31:00.0

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN. Nhưng để có thể đón nhận cơ hội này hiệu quả, các DN phải chủ động hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng và tận dụng ưu đãi từ CPTPP.

Hiệp định CPTPP sẽ đem lại nhiều lợi ích và lợi thế thiết thực cho các thành viên, tạo thành khối tự do thương mại với khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều khi có thể thúc đẩy XK hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Đặc biệt, với việc cắt giảm thuế quan, Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD.

CPTPP sẽ tạo cơ hội phát triển thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường sản xuất kinh doanh cùng hàng loạt điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Nhờ thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều điều kiện phát triển do chính sách của Việt Nam cũng phải thay đổi để phù hợp với những ưu đãi từ CPTPP, tiêu biểu như các chủ trương phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo điều kiện phát triển lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu để đáp ứng yêu cầu từ CPTPP. Doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng nguồn vốn vay giá rẻ khi nhu cầu vốn cho phát triển doanh nghiệp tăng lên…

Công cụ lớn nhất là CPTPP sử dụng để thúc đẩy trao đổi hàng hóa là những ưu đãi miễn giảm thuế mà các nước cam kết dành cho nhau, bằng cách dỡ bỏ hoặc cắt giảm các hàng rào thuế quan. Vì thế, khi thuế suất giảm, thậm chí xuống 0% thì các doanh nghiệp trong nước còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà do hàng hóa nước ngoài nhập vào với chất lượng tốt và giá rẻ.

Dệt may, da giày thêm cơ hội từ CPTPP

Dệt may là ngành hàng được hưởng lớn từ CPTPP. Mặc dù Mỹ không tham gia CPTPP nhưng vẫn còn những thị trường đầy tiềm năng khác đặc biệt là Australia, Canada. Đây là 2 thị trường có quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn, khoảng 10 tỷ USD/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của hàng dệt may của Việt Nam vào hai thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD/năm.

Bên cạnh đó, tổng cầu của thị trường dệt may thế giới  vẫn dao động ở mức 700 tỷ USD/năm trong 5 năm qua. Trong khi đó các quốc gia sản xuất hàng dệt may trên thế giới liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đơn hàng dẫn đến cạnh tranh trong ngành dệt may ngày càng khốc liệt. Nếu không có CPTPP, việc duy trì kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong những năm tới của ngành dệt may là rất khó khăn. Cùng với CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam Liên minh kinh tế Á - Âu thực thi sẽ giúp ngành dệt may duy trì được tốc độ tăng trưởng kim ngạch khoảng từ 3 tỷ đến 3,5 tỷ USD/năm. Như vậy, CPTPP vẫn là động lực đủ mạnh thúc đẩy tăng trưởng XK của ngành dệt may khi đưa ra những ưu đãi thuế quan hấp dẫn.

Đối với ngành da giày, việc Mỹ rút ra khỏi hiệp định TPP không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành da giày nói riêng. Một điển hình rõ nhất là trong năm 2017, số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành giày vẫn giữ được tăng trưởng bình quân so với các năm trước khoảng 12%. Tuy nhiên, việc Mỹ rút ra khỏi TPP có ảnh hưởng tới ngành tủi xách do Mỹ đang cung cấp chế độ GSP cho một số nước trong đó có các nước đang sản xuất túi xách giống Việt Nam như Philippine, Indonexia, Ấn Độ, Thái Lan, Myanma. Nhìn lại hoạt động sản xuất túi xách trong năm 2017 không bằng năm 2016. Năm 2016 tăng trưởng 12%, tuy nhiên năm 2017 chỉ tăng trưởng 8%.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, riêng CPTPP đã giúp cho Việt Nam tăng trưởng 1% GDP. Nhìn một cách tổng thể CPTPP giúp rất nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam do các FTA thế hệ mới trong đó có CPTPP đều có yêu cầu cao về mặt thể chế, sử dụng vốn công... đó là những vấn đề đang nhức nhối của chính phủ. Do vậy, các FTA này sẽ tạo áp lực đòi hỏi chính phủ phải có những cải tiến. Vì vậy, cho dù DN có không được hưởng lợi ích trực tiếp từ các FTA này nhưng cũng sẽ được hưởng lợi ích từ các chính sách cải cách về thể chế. Bên cạnh đó, CPTPP cũng sẽ giúp ích cho nhiều ngành trong nước, trong đó có ngành da giày vì trong 10 nước tham gia CPTPP chỉ có 3 nước chưa có FTA là Mexico, Canada, Australia. Tuy không mang lại sự thay đổi lớn về cục diện nhưng đây đều là các thị trường tiềm năng có yêu cầu về sản phẩm cao cấp. Do vậy, đây là cơ hội để Việt Nam tham gia vào các nước này mà không phải đàm phán với riêng từng nước.

Liên quan đến việc thu hút FDI hậu CPTPP, khi Mỹ rút khỏi TPP thì FDI vào một số ngành phụ trợ như dệt may, sản xuất sợi, vải cho da giày có phần giảm hơn trước. Tuy nhiên, việc Việt Nam ký CPTPP cũng sẽ là động lực để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khởi động lại các dự án đầu tư. Trong tương lai với sự trở lại của Mỹ vào Hiệp định CPTPP, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này sẽ nóng trở lại và có sự tăng trưởng vững chắc hơn.


Lượt xem: 345

Thống kê truy cập

Đang truy cập:507

Tổng truy cập: 18718639