Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Diễn đàn tuyên truyền, thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA

2023-11-09 10:42:00.0

Diễn đàn tuyên truyền, thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA


Ngày 03 tháng 11, tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn tuyên truyền, thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu âu (EVFTA).

Khai mạc Diễn đàn tuyên truyền, thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA

Tham dự chương trình là các đại diện lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Cục Chất luợng, chế biến và Phát triển thị trường; Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tập đoàn Tentamus CHLB Đức và Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Diễn đàn thu hút hơn 100 đại biểu đến từ Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Hội Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà rịa - Vũng Tàu.

Ths Lương Ngọc Quang, Cục bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT trình bày tại Hội nghị

Tại đây, các chuyên gia đã chia sẻ những nội dung cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA và cập nhật thông báo dự thảo các biện pháp SPS; các quy định của thị trường EU đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam. Bên cạnh đó, diễn giả còn giới thiệu một số công nghệ sơ chế bảo quản một số loại trái cây xuất khẩu sang EU như: công nghệ làm chín, chậm chín, phủ màng, bao gói MAP, bảo quản lạnh...

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc SPS Việt Nam, việc hội nhập kinh tế thế giới và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hoá, nông sản Việt Nam; trong đó, Hiệp định EVFTA được thực thi trong 3 năm qua giúp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng rõ rệt. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm và sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng và các thị trường có FTA nói chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của Việt Nam.

Nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường thường xuyên thay đổi, điều chỉnh các quy định, yêu cầu về mặt an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cũng như các yêu cầu khác về sử dụng lao động, phát triển xanh… Trong khi đó, việc tiếp cận, cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu của người sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt ở các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn

Theo ông Nam, trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia, đều có nội dung bắt buộc phải thực hiện là SPS (Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn bệnh dịch động, thực vật). Tính đến 10 tháng đầu năm 2023, EU đưa ra 55/3.865 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm từ Việt Nam nhập khẩu vào EU, chiếm 1,4%. Theo đó, rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, sản phẩm thủy hải sản 19 trường hợp, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác là 13 trường hợp. Vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm 58%, vi phạm độc tố nấm mốc chiếm 9% và vị phạm khác chiếm 33%.

 Tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoài, đại diện công ty Acecook Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về SPS của thị trường EU. Ông Hoài cho biết công ty liên tục cập nhật văn bản luật mới trên Cổng tra cứu luật chính thức của EU (Europa); nghiên cứu chương trình kiểm soát sản phẩm nhập khẩu, nắm các chỉ tiêu nằm trong kế hoạch kiểm tra của hải quan, những vấn đề EU đang đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, bộ phận đảm bảo chất lượng thường xuyên rà soát sản phẩm, xem xét sự phù hợp của tiêu chuẩn nguyên liệu, thành phẩm so với quy định mới của thị trường, thiết lập lại kế hoạch kiểm soát chất lượng nguyên liệu, quá trình sản xuất và thành phẩm.

Ông Võ Văn Hoài – Đại diện công ty CP Acecook Việt Nam

Cùng với đó, Acecook cũng thường xuyên tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý quốc gia hoặc đơn vị tư vấn luật đối với các vấn đề luật định phức tạp, không hiểu rõ. Theo ông Võ Văn Hoài, điểm thuận lợi của các doanh nghiệp hiện nay là Văn phòng SPS Việt Nam làm đầu mối cập nhật rất nhanh chóng, đầy đủ các dự thảo điều chỉnh Tiêu chuẩn SPS của các nước thành viên WTO; các thông báo, cảnh báo của nước nhập khẩu với hàng hóa vi phạm./.


Diệu Hằng – Phòng QLTM

Lượt xem: 3379

Thống kê truy cập

Đang truy cập:471

Tổng truy cập: 18620632