Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Dấu ấn khuyến công khu vực phía Nam

2020-12-11 22:27:00.0

Nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG), việc ứng dụng công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm giúp các doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đáp ứng được phần lớn yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Đổi mới máy móc, thiết bị

Báo cáo khuyến công khu vực phía Nam của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho thấy, theo kế hoạch năm 2020, kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) hỗ trợ 203 triệu đồng cho 6 dự án tư vấn đầu tư, marketing, quản lý sản xuất – tài chính – kế toán – nhân lực… Bên cạnh đó, hỗ trợ khoảng 573 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; 10 hội chợ cấp khu vực, tỉnh, huyện với số gian hàng tiêu chuẩn; hỗ trợ đăng ký và xây dựng thương hiệu 22 cơ sở CNNT. Tổng kinh phí hỗ trợ 11.695,04 triệu đồng, chiếm 14,37% kinh phí khuyến công vùng.

3033-anh-t16-08-kc-khu-vyc-phia-nam

Hoạt động khuyến công phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp

Theo đó, hoạt động khuyến công được đánh giá phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của DN, cơ sở CNNT. Các chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT… được nhiều DN tìm kiếm và hưởng ứng mạnh. Thông qua các chương trình đã khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ... đặc biệt đối với DN ngành thực phẩm.

Theo các DN, trong điều kiện hội nhập kinh tế, môi trường kinh doanh luôn biến đổi, cạnh tranh ngày càng gay gắt, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm luôn tìm một hướng đi đúng đắn, không ngừng nâng cao vị thế trên thị trường. Mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh khi hoạt động đều phải chấp nhận cạnh tranh với các đơn vị khác bằng chất lượng sản phẩm, đầu tư mẫu mã kết hợp với hạ giá bán sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đối với DN CNNT, cơ sở sản xuất, việc đổi mới máy móc, thiết bị là đòi hỏi khách quan nếu muốn chiến thắng trong cạnh tranh, củng cố và mở rộng chỗ đứng trên thị trường.

Điển hình, tại Công ty TNHH Vị Hảo (thị xã Tân Uyên, Uyên Hưng, tỉnh Bình Dương) chuyên sản xuất các loại gia vị cao cấp được chế biến từ ớt tươi. Theo đại diện công ty, việc đầu tư máy móc, thiết bị mới, tuy chi phí ban đầu khá cao nhưng mang lại hiệu quả khả quan, dễ thu hồi vốn trong thời gian ngắn, vì tiết kiệm được thời gian kiểm tra thành phần kim loại, từ đó tiết kiệm được chi phí sản xuất, tránh lãng phí, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nâng cao năng suất, chất lượng

Bên cạnh hỗ trợ máy móc nhằm thu hút, khuyến khích, động viên các DN, cơ sở CNNT tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm có chất lượng cao, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020.

Thông qua quá trình tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020, đã hỗ trợ các DN khu vực này có thêm điều kiện mở rộng thị trường, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển CNNT, giảm chi phí quảng bá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo đó, DN trong khu vực cũng bày tỏ mong muốn ngành Công Thương tiếp tục hỗ trợ các cơ sở tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ, tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu, tạo cơ hội cho DN tìm kiếm thị trường.

Về những khó khăn trong việc hỗ trợ các DN CNNT, cơ sở sản xuất nông thôn, đại diện 20 tỉnh, thành phố khu vực này cho biết, dù có nhiều lợi ích từ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, song hiện nay số cơ sở CNNT đăng ký tham gia chương trình khuyến công vẫn chưa tương xứng với số lượng, tình hình hoạt động CNNT. Còn nhiều cơ sở chưa hiểu rõ về chính sách khuyến công, các nội dung của hoạt động khuyến công, chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ. Đối với khâu thị trường, không ít sản phẩm vẫn chưa đầu tư đúng mẫu mã, bao bì, cũng như đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, nên gặp khó khăn trong công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

Việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương, với các tiêu chí cơ bản như đáp ứng thị trường, khả năng phát triển sản xuất; tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường; tính văn hóa và thẩm mỹ…

Nguồn: https://congthuong.vn/

Lượt xem: 4432

Thống kê truy cập

Đang truy cập:932

Tổng truy cập: 18466134