Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Cuối năm buôn lậu đường cát qua biên giới Tây Nam tăng mạnh

2020-12-01 08:34:00.0

Trong những ngày gần đây, hoạt động buôn lậu mặt hàng đường cát tại khu vực biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, bất chấp lực lượng chống buôn lậu của các địa phương tăng cường kiểm soát.

Theo ghi nhận của lực lượng chống buôn lậu các tỉnh thuộc khu vực biên giới Tây Nam, dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng đường cát trong nước tăng, giá đường cát trong nước cao hơn đường cát nhập lậu và mùa nước nổi dâng cao trên các sông rạch khiến cho hoạt động buôn lậu mặt hàng đường cát gia tăng so với trước đây.

Vào dịp này, mặt hàng đường cát nhập lậu diễn ra phổ biến tại địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh. Lợi dụng mùa nước nổi dâng cao, các đối tượng buôn lậu dùng bao ni lông đựng đường cát thả trôi theo dòng nước, khi bị phát hiện thì bỏ hàng tháo chạy.

Đặc biệt, tại khu vực biên giới An Giang và Kiên Giang, khi lực lượng chống buôn lậu tăng cường kiểm soát tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên đường bộ qua biên giới, các đầu nậu dùng tàu thuyền trọng tải lớn vận chuyển đường cát trái phép qua đường biển, mỗi chuyển tàu chứa hàng trăm tấn đường cát lậu. Riêng tại An Giang, lực lượng hải quan còn phát hiện hiện tượng các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá quay vòng hồ sơ nhập khẩu để buôn lậu hàng hoá, trong đó có mặt hàng đường cát.

Cuối năm buôn lậu đường cát qua biên giới Tây Nam tăng mạnh

Đường nhập lậu được phát hiện tại địa bàn tỉnh An Giang

Chẳng hạn, tại khu vực khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên mới đây đã phát hiện 3 đối tượng kéo 27 bao đường cát dưới sông từ Campuchia qua. Lô hàng 1,4 tấn đường cát nhập lậu đã bị thu giữ nhưng 3 đối tượng buôn lậu đã chạy thoát.

Trước đó, ngày 12/10, trên tuyến sông xã Quốc Thái, huyện An Phú, công an tỉnh An Giang đã bắt giữ một chiếc tàu chở 100 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia. Ngoài thu giữ hàng lậu, công an còn phát hiện đối tượng buôn lậu đã sử dụng bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan để hợp thức hoá số hàng lậu này.

Tính từ đầu năm đến nay, lượng đường cát nhập lậu bị lực lượng 389 tỉnh An Giang thu giữ gần 400.000kg, tỉnh Long An khoảng 40.000kg, tỉnh Tây Ninh hơn 10.000kg. Theo ghi nhận của lực lượng chống buôn lậu các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam, số lượng đường cát nhập lậu đã thu giữ được từ đầu năm đến nay so với lượng đường cát tuồn trái phép từ Campuchia qua là rất thấp. Dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động buôn lậu đường cát sẽ gia tăng do nhu cầu sử dụng mặt hàng này làm nguyên liệu để sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu Tết tăng mạnh.

Để phòng chống hàng hoá nhập lậu, nhất là mặt hàng đường cát qua biên giới Tây Nam từ nay đến cuối năm, lực lượng 389 của các địa phương đã đươc yêu cầu tăng quân số, lập thêm chốt chặn, tăng tần suất kiểm tra tại các điểm nóng hàng lậu đi qua, đặc biệt là khu vực biên giới.

Tại địa bàn tỉnh An Giang, Cục Hải quan An Giang yêu cầu ngoài phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn, các đơn vị hải quan cần tăng cường kiểm tra hồ sơ khai báo xuất nhập khẩu để tránh tình trạng dùng hồ sơ hợp pháp đã sử dụng để quy vòng nhằm hợp thức hoá hàng lậu.

Đối với thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường cát, lãnh đạo Cục Hải quan An Giang yêu cầu các chi cục hải quan phải đảm bảo về mặt trình tự thủ tục, xem xét C/O doanh nghiệp cung cấp có phù hợp với bộ chứng từ đã khai báo để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ghi nhận, lượng đường cát nhập lậu vào thị trường Việt Nam trong năm 2019 ước tính lên đến 800.000 tấn. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến hết tháng 10/2019, lực lượng 389 các địa phương chỉ bắt giữ được khoảng 3.000 tấn đường lậu. Trong khi đó, chỉ tính 8 tháng đầu năm 2020, thị trường Việt Nam đã nhập khẩu chính ngạch gần 1 triệu tấn đường cát, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Hiệp Hội mía đường Việt Nam, đường cát nhập khẩu chính ngạch và đường nhập lậu giá rẻ là thủ phạm chính làm thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành mía đường trong nước. Cụ thể, hiện đã có 12/41 nhà máy đường phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì không còn đủ sức để cạnh tranh với giá đường ngoại nhập.


Nguồn: https://congthuong.vn/

Lượt xem: 1213

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1025

Tổng truy cập: 18466134