Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Công nghiệp thực phẩm: Cơ hội và thách thức

2013-06-12 17:50:00.0

Qua hơn 20 năm xây dựng và đổi mới, ngành công nghiệp thực phẩm đã từng bước đáp ứng nhiều sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, phục vụ nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu và tham gia xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Qua hơn 20 năm xây dựng và đổi mới, ngành công nghiệp thực phẩm đã từng bước đáp ứng nhiều sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, phục vụ nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu và tham gia xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

              Thực phẩm chế biến sâu có nhiều cơ hội tại thị trường nội địa

Hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đạt 20% PIB (tổng sản lượng nội địa). Thời gian qua, để giải quyết việc làm, tận dụng thế mạnh về nguồn nhân lực, phù hợp với hoàn cảnh và tiềm lực nước ta trong những năm đầu phát triển công nghiệp, Việt Nam đã chú trọng phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng.

Qua những giai đoạn phát triển khác nhau, hiện nay ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam gồm một số ngành kinh tế kỹ thuật chính: Rượu- bia- nước giải khát; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; công nghiệp kỹ nghệ thực phẩm; chế biến bột và tinh bột; công nghiệp sản xuất thuốc lá. Nhằm quản lý chặt chẽ cũng như tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ, bền vững ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành đã phê duyệt nhiều quy hoạch, chiến lược và ban hành các văn bản pháp quy phù hợp với từng giai đoạn phát triển và tầm nhìn cho các giai đoạn tiếp theo.

Với dân số trên 86 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm trong những năm qua, nhu cầu vật chất và tinh thần của mỗi người dân Việt Nam từng bước được nâng lên, nhất là nhu cầu về các sản phẩm sạch, các sản phẩm chế biến sâu, tinh tế. Thói quen sử dụng các thực phẩm chế biến từ sữa, dầu ăn, bia, rượu, nước giải khát... đã hình thành và phát triển nhanh. Nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và đa dạng. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để kích thích phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam.

Ngoài cơ hội lớn tại thị trường trong nước, việc Việt Nam tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN và trở thành thành viên của WTO đã thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến nói riêng. Quá trình hội nhập tác động rất lớn đến các doanh nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm. Ngành công nghiệp thực phẩm đã mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác với nước ngoài. Mặt khác, tận dụng mọi ưu thế do các hiệp định hợp tác quốc tế mang lại, đồng thời để nâng cao năng lực canh tranh trên thị trường quốc tế, bảo đảm thực hiện các cam kết, ngành công nghiệp thực phẩm đã không ngừng đổi mới, nhiều cơ sở được xây dựng, đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, cải tiến và nâng cao trình độ quản lý (đa dạng hóa hình thức sở hữu, từng bước cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...), sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, thay thế các sản phẩm nhập khẩu, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu.

           Doanh nghiệp thực phẩm chế biến không thể “thua trên sân nhà” 

Bộ Công Thương đã xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, để hình thành ngành kinh tế mạnh, hội nhập vững chắc với khu vực và thế giới.

Từ năm 2010, ngoài việc tạo dựng được các thương hiệu lớn, chiếm lĩnh thị trường nội địa, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam còn phải đạt mục tiêu tập trung đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm, trong đó đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn sử dụng trực tiếp.

So với các ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là ngành có truyền thống lâu đời, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước và cải thiện nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong thời gian qua, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả của ngành chế biến nông sản, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Nguyên nhân có nhiều, song tựu trung lại bao gồm: Liên kết lỏng lẻo từ khâu sản xuất, thu gom đến phát triển vùng nguyên liệu, chế biến; công nghệ sản xuất vẫn còn lạc hậu, kiểm soát an toàn thực phẩm còn bất cập, đầu tư còn hạn chế; sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; đầu vào có chất lượng không cao, thiếu ổn định...

Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển bền vững tại thị trường nội địa và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, Chính phủ, Bộ Công Thương và các ngành liên quan đã và đang tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, môi trường, luật pháp kinh doanh quốc tế, ứng dụng khoa học đổi mới công nghệ,…

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, các rào cản kỹ thuật, những đòi hỏi về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước ngày càng khắt khe và yêu cầu cao; thị trường trong nước cũng ngày càng xuất hiện nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, vì vậy, cần phải có sự chung sức đồng lòng của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng mới có thể hiện thực hóa được những mục tiêu, định hướng phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

 

Việt Nam đã là thành viên của WTO, hàng hóa nói chung, thực phẩm chế biến nói riêng của nhiều nước sẽ tràn vào nước ta, gây không ít khó khăn cho ngành công nghiệp thực phẩm, khiến doanh nghiệp dễ “thua ngay trên sân nhà” chưa nói đến “chiến thắng trên sân người” nếu như chúng ta không có chiến lược phát triển và đầu tư thích hợp. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế là thử thách rất lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.


Lượt xem: 464

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1545

Tổng truy cập: 18720463