Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Công nghệ di động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư!

2017-07-13 15:03:00.0

"Công nghệ 5G cung cấp, hỗ trợ truy cập di động băng thông rộng với tốc độ cao, độ trễ thấp, ngoài việc hỗ trợ phát triển thông tin di động còn hướng tới thúc đẩy sự phát triển toàn diện kết nối Internet vạn vật (IoT) trong nhiều lĩnh vực đời sống của xã hội"- là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông- Trương Minh Tuấn- tại hội thảo trình diễn công nghệ 5G vừa được Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp với Công ty Ericsson tổ chức sáng ngày 12/7 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Công nghệ 5G, ngoài việc hỗ trợ phát triển thông tin di động còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện kết nối Internet vạn vật trong nhiều lĩnh vực đời sống của xã hội

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện nay, xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động và lan rộng khắp thế giới và để có thể có được những thành tựu trong cuộc cách mạng này không thể không kể đến sự đột phá và phát triển của thông tin di động băng thông rộng.

"Sự phát triển cộng nghệ này là nền tảng quan trọng và tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, trong đó, viễn thông và công nghệ thông tin được đánh giá là vô cùng quan trọng, đóng vai trò then chốt, là hạ tầng cơ sở cho sự phát triển của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ tư" - ông Tuấn nói và cho biết, nắm bắt được định hướng này, các nhà mạng, bên cạnh việc phát triển hạ tầng và đảm bảo an toàn công nghệ thông tin cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, như: điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật (IoT); thành phố thông minh; trí tuệ nhân tạo...

Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, với chính sách tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, thị trường dịch vụ thông tin di động đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo ông Tuấn, sau thế hệ một (1G) và hai (2G) của mạng di động, năm 2008-2009, Việt Nam đã chứng kiến cuộc đua của các nhà mạng trong cung cấp dịch vụ mạng thế hệ ba (3G). Đến năm 2016, Bộ TT-TT đã chính thức cấp giấy phép triển khai dịch vụ 4G cho 4 nhà mạng di động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng băng thông rộng, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh IoT. Điều này đánh dấu bước phát triển mới của lĩnh vực công nghệ thông tin di động của Viêt Nam.

Tuy nhiên, "sau khoảng 10 năm phát triển, một vòng đời công nghệ đã dần kết thúc và chuyển sang một thế hệ công nghệ mới hiện đại hơn, nhiều tiện ích hơn, đó là công nghệ 5G"- ông Tuấn nói và khẳng định, công nghệ 5G- cung cấp, hỗ trợ truy cập di động băng rộng với tốc độ cao- ngoài việc hỗ trợ phát triển thông tin di động còn nhằm hướng tới thúc đẩy sự phát triển của IoT trong nhiều lĩnh vực đời sống của xã hội, như: quản lý giáo dục, y tế thông minh; quản lý giao thông thông minh; phát triển công nghiệp, thương mại thông minh... trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mang đến nhiều cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng chính là nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tất cả các bộ ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện.

Báo cáo của Ericsson cũng cho thấy, tại Việt Nam, ngành sản xuất, năng lượng/dịch vụ công cộng và an toàn xã hội có cơ hội cao phát triển mạnh nhất và đạt doanh thu cao nhờ 5G.

Được biết, trong nỗ lực phát triển mạng 5G trên phạm vi toàn cầu, hiện Công ty Ericsson đã ký Bản ghi nhớ (MoU) với 27 nhà mạng, 12 đối tác ngành, có hơn 20 chương trình hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu về công nghệ 5G.


Lượt xem: 183

Thống kê truy cập

Đang truy cập:466

Tổng truy cập: 18623159