Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chợ tự phát – Những vấn đề cần giải quyết

2013-12-26 17:22:00.0

Với sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì tại Bình Dương tình trạng phát sinh ngày càng nhiều chợ tự phát là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, trong những dịp lễ, tết, khi mà nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên thì số lượng người bán tự phát cũng tăng theo và thường tụ tập mua bán ở nhiều điểm khác nhau trên địa bàn.

Chợ tự phát là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương, hầu như địa phương nào cũng có, nhiều nhất là các tỉnh, thành có thu hút lao động đến làm việc nên dân số cơ học tăng nhanh, nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm như quần áo may sẵn, rau củ quả, thịt, cá và các mặt hàng thiết yếu cho người dân có xu hướng ngày càng tăng dần. Từ đó, chợ tự phát cũng được hình thành do có nhu cầu tiêu dùng và giải quyết việc làm, tăng thu nhập đối với người mua bán nhỏ.

Với sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì tại Bình Dương tình trạng phát sinh ngày càng nhiều chợ tự phát là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, trong những dịp lễ, tết, khi mà nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên thì số lượng người bán tự phát cũng tăng theo và thường tụ tập mua bán ở nhiều điểm khác nhau trên địa bàn. Điều đáng nói, chợ tự phát xuất hiện mọi lúc, mọi nơi kể cả trước cổng bệnh viện, trường học, nhà máy, xí nghiệp và các ngã ba, ngã tư đường … cứ nơi nào, giờ nào bán được nhiều hàng hóa thì nơi đó, vào giờ đó tập trung rất đông người và thường bày bán lấn chiếm lòng lề đường gây ách tắc giao thông. Trên địa bàn tỉnh có những điểm nóng như: địa bàn thành phố Thủ Dầu Một có 01 điểm gần ngã tư Sở sao; địa bàn thị xã Thuận An có 02 điểm ở khu phố 1B, phường An Phú và điểm trên tuyến tỉnh lộ 43 gần chợ Đồng An; địa bàn thị xã Dĩ An có điểm ở khu tái định cư Sóng Thần; địa bàn huyện Tân Uyên có điểm trên tuyến đường ĐT747 thuộc thị trấn Thái Hòa…
 

Chợ tự phát mua bán lấn chiếm lề đường trước các cổng xí nghiệp, công ty

Tại sao chợ tự phát hoạt động sôi nổi còn hoạt động của các chợ đầu tư bài bản theo quy hoạch lại trầm lắng, thậm chí phải đóng cửa?

Trước hết, phải thừa nhận rằng ở chợ tự phát,  hàng hóa bao giờ cũng rẻ hơn trong các chợ truyền thống do người bán không phải chịu bất cứ chi phí nào; vị trí bán hàng tiện lợi rất nhiều so với các chợ truyền thống, người mua chỉ cần dừng xe, mua đơn giản bó rau, con cá, vài lạng thịt, quả cà … là về ngay mà không cần phải vào chợ cho xa, lại phải gửi xe mất thời gian. Hơn nữa, người bán ở chợ tự phát thường di chuyển địa điểm, chỉ nhóm họp vào thời điểm thích hợp có nhiều người mua nên hoạt động của chợ sôi nổi. Trong khi đó, các chợ đầu tư bài bản theo quy hoạch lại bị ảnh hưởng của các chợ tự phát này mà lượng người mua, bán chỉ cầm chừng, có chợ không bán được như chợ Đông Phú I ở địa bàn Thuận Giao, thị xã Thuận An phải đóng cửa.

Có thể nói, hoạt động của chợ tự phát đã giải quyết được nhu cầu mua sắm nhanh những nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, sự tồn tại của chợ tự phát là không thể chấp nhận được, bởi nó thường gây cản trở giao thông, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị và văn minh thương mại; hơn nữa, hàng hóa bán tại chợ tự phát không được sự kiểm soát của cơ quan chức năng nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Về mặt quản lý nhà nước, mặc dù công tác giải tỏa chợ tự phát được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện như thành lập địa điểm tạm thời để bố trí sắp xếp các cá nhân hoạt động thương mại có nơi mua bán; tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường; lắp đặt biển cấm họp chợ và UBND các xã, phường, thị trấn đã cử lực lượng công an, dân quân, đại diện đoàn thể để tuần tra mỗi ngày nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân không được buôn bán lấn chiếm lòng lề đường nhưng khi lực lượng rời khỏi thì người bán vẫn cứ bán, người mua vẫn cứ mua trên vỉa hè, lề đường như không có gì xảy ra. Nhìn chung, tình trạng chợ tự phát vẫn chưa giảm và có xu hướng chuyển sang mua bán cơ động bằng phương tiện xe gắn máy, xe đẩy, xe 3 bánh… để dễ đối phó khi có cơ quan chức năng kiểm tra. Điều đó, làm cho công tác giải tỏa chợ tự phát gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Để giải quyết tình trạng này, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 3940/UBND-KTN ngày 18/4/2013 về việc chấp thuận chủ trương cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được quyết định tổ chức chợ tạm để triển khai công tác giải tỏa chợ tự phát có hiệu quả. Theo đó, Sở sẽ hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn thêm nhiều địa điểm phù hợp để hình thành chợ tạm, nhất là gần các điểm thường tập trung mua bán tự phát trước đây nhằm giải quyết nhu cầu thiết thực của những người mua bán nhỏ và tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường.

Như vậy, với giải pháp này, trong thời gian tới sẽ giải quyết thỏa đáng nơi mua bán cho những người kinh doanh nhỏ lẻ và giảm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường như thực trạng hiện nay.


Lượt xem: 197

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1072

Tổng truy cập: 18466134