Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hoá tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030

2013-01-14 10:29:00.0

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động của tỉnh trong đó tập trung thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm của xuất khẩu là 19,3%, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 20.046 triệu USD; nhập khẩu là 18%, đến năm 2015 kim ngạch nhập khẩu đạt 16.303 triệu USD. Cán cân thương mại thặng dư đạt 3.743 triệu USD (Giai đoạn 2011 – 2015).

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động của tỉnh trong đó tập trung thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm của xuất khẩu là 19,3%, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 20.046 triệu USD; nhập khẩu là 18%, đến năm 2015 kim ngạch nhập khẩu đạt 16.303 triệu USD. Cán cân thương mại thặng dư đạt 3.743 triệu USD (Giai đoạn 2011 – 2015).

 Giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của xuất khẩu là 18,5%, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt được 46.839 triệu USD; Tốc độ tăng trưởng bình quân nhập khẩu là 16,5%, đến năm 2020 kim ngạch nhập khẩu đạt 34.985 triệu USD. Cán cân thương mại thặng dư đạt 11.854 triệu USD. Tầm nhìn đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch xuất khẩu từ 15% - 17%; kim ngạch nhập khẩu từ 16% - 17%.  

 Về sản xuất công nghiệp:
 Từng bước đưa sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp cận mục tiêu của sản xuất sạch hơn, sản xuất tránh gây ô nhiễm môi trường bằng việc sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng hợp lý, hiệu quả nhất. Rà soát và bổ sung các chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển thuộc các ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giầy và công nghệ cao; Xác định cụ thể các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu có tiềm năng gắn với sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước nhằm tăng tỷ trọng nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu và giảm dần nguyên liệu nhập khẩu.

 Về sản xuất nông nghiệp
 Ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại và ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng bước tham gia xuất khẩu trên thị trường quốc tế; Phát triển dịch vụ nông nghiệp như: tư vấn kỹ thuật, thiết kế, thi công các mô hình (nhà lưới trồng rau, hoa, cây an quả; mô hình trồng rau an toàn; mô hình VAC...); dịch vụ đại lý trao đổi, mua bán các sản phẩm nông nghiệp; dịch vụ về công tác thú y, bảo vệ thực vật ...

 Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại
 Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh, không bị hạn chế về thị trường, chú trọng vào các thị trường còn nhiều tiềm năng; Chương trình thương hiệu quốc gia, khuyến khích tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm có tầm quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá xuất khẩu trên thị trường thế giới.
 Hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu
 Triển khai thực hiện các chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng từng thời kỳ theo Kế hoạch của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với cho vay xuất nhập khẩu hàng hóa. Mục tiêu dư nợ cho vay xuất, nhập khẩu hàng hóa bình quân hàng năm chiếm 17% trên tổng dư nợ toàn địa bàn. Cụ thể đến năm 2015, dư nợ cho vay xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 15.067 tỷ đồng; năm 2020 đạt 37.491 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 213.498 tỷ đồng.
 Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá và đẩy nhanh xã hội hoá dịch vụ logistics
 Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics mang tính trọn gói; giảm chi phí, thời gian, tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
 Đào tạo phát triển nguồn nhân lực
 Tập trung đào tạo nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề cấp độ cao, đủ khả năng phục vụ cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao trong nước hoặc xuất khẩu lao động ra nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm phi nông nghiệp.

 Kiểm soát nhập khẩu
 Triển khai các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong hoạt động nhập khẩu theo Chương trình hành động triển khai Đề án thực thi Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Bình Dương; Triển khai thủ tục hải quan điện tử trở thành phương thức chủ yếu cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các nội dung: xử lý dữ liệu thông quan điện tử có liên quan đến thuế nhập khẩu, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử; tiếp nhận, trao đổi thông tin về giấy phép xuất nhập khẩu và chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng hình thức điện tử; Nghiên cứu áp dụng thành công hệ thống tự động hóa hải quan theo lộ trình chung của ngành; Triển khai áp dụng Đề án Quản lý rủi ro của ngành Hải quan vào trong toàn bộ quá trình hoạt động nghiệp vụ hải quan: trước thông quan, trong thông quan, sau thông quan. 

 Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của Hiệp hội ngành hàng
 Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bình Dương; đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường như: đánh giá, dự báo thị trường, xu hướng giá cả, thực hiện việc cung cấp thông tin định kỳ liên quan đến thị trường và chính sách mới của thị trường xuất khẩu cho hội viên của Hiệp hội ngành hàng để chủ động phòng ngừa rủi ro thị trường; hỗ trợ Hiệp hội trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 


Lượt xem: 1042

Thống kê truy cập

Đang truy cập:495

Tổng truy cập: 18555904