Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chiến lược Xuất khẩu: Phát triển ngành có hàm lượng công nghệ cao

2013-12-23 17:26:00.0

Ngày 19/12/2013, Hội nghị Tham tán thương mại chuyên đề về Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2020 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh với sự tham gia của các Tham tán Thương mại và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương.

Ngày 19/12/2013, Hội nghị Tham tán thương mại chuyên đề về Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2020 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh với sự tham gia của các Tham tán Thương mại và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương.

Xuất khẩu tăng mạnh bất chấp khủng hoảng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh về hiệu quả trong công tác phát triển thị trường, vai trò và sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài nước trực thuộc Bộ Công Thương nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường. Vấn đề đang được Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ rất quan tâm là vai trò của các Thương vụ trong việc hỗ trợ phát triển thương mại, thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu cũng như những mục tiêu chiến lược của Bộ được Quốc hội và Chính phủ giao phó.


                    Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã trình bày khái quát bức tranh chung về tình hình xuất nhập khẩu năm 2013 và định hướng chiến lược cũng như giải pháp tăng cường tính bền vững trong xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của nước ta năm 2013 dự kiến đạt 133 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 132 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2012. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch tích cực: Nông thủy sản: giảm từ 20% (2011) xuống 15% (2013); Nhiên liệu, khoáng sản: từ 11,6% xuống 7,2%; Công nghiệp chế biến: tăng từ 61,2% lên 70,7%. 


Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập phát biểu tại Hội nghị
 
Bên cạnh đó, quy mô xuất khẩu cũng được mở rộng theo hướng 22 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD (chiếm 85% tổng xuất khẩu); 13 nhóm hàng xuất khẩu trên 2 tỷ USD (thủy sản, cà phê, gạo, cao su, dầu thô, đồ gỗ, dệt may, xơ sợi dệt, giày dép, điện thoại, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, đồ điện tử, v.v...). Về nhập khẩu, dự kiến đạt 131,3 tỷ USD (tăng 15,2%). Mức tăng bình quân 2011-2013 là 17% (cao hơn 6% so với mục tiêu của Đại hội Đảng XI). Đáng chú ý, nhập siêu giảm dần, tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Cụ thể, năm 2011 nhập siêu 9,84 tỷ USD (10,2% kim ngạch xuất khẩu); 2012 xuất siêu 749 triệu USD. Dự báo năm 2013 sẽ đạt mức xuất siêu 862 triệu USD.


 

 Thị trường xuất khẩu 2013
Xuất khẩu vào châu Âu tăng 24,8% với kim ngạch đạt 27,3 tỷ USD
Châu Mỹ tăng 21,9% với kim ngạch 27,8 tỷ USD
Riêng thị trường Hoa Kỳ tăng 21% với kim ngạch 25,5 tỷ USD
Châu Á đạt kim ngạch 68,5 tỷ USD, tăng 15,6%
Châu Đại dương tăng 21,2%
Châu Phi tăng 8%


Đánh giá chung về đặc điểm của xuất nhập khẩu năm 2013, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Xuất khẩu cả nước tăng mạnh bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới chưa phục hồi và sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn; Một số nhóm hàng (điện thoại di động, đồ điện tử, túi xách) đã thể hiện sự bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ; Các doanh nghiệp bước đầu hiểu biết và tận dụng ưu đãi của các FTA thông qua việc xin cấp C/O ưu đãi, tuy còn chưa đồng đều ở tất cả các khu vực, mặt hàng. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu năm qua đã cho thấy sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, xuất khẩu năm 2013 đạt 89,5 tỷ USD (chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu), nhập khẩu năm 2013 đạt 76,4 tỷ USD (chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu). Các doanh nghiệp này cũng dẫn đầu trong việc xuất khẩu những mặt hàng công nghiệp, nông sản chế biến.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững do giá nhóm hàng nông thủy sản, nhiên liệu phụ thuộc quá nhiều vào giá thế giới, nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh, nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch lớn nhưng giá trị gia tăng phát sinh trong nước thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Phát triển ngành có hàm lượng công nghệ cao

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương và các Tham tán thương mại đã bàn về các giải pháp nhằm định hướng phát triển xuất khẩu đến năm 2020 của nước ta. Theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, rà soát khuyến khích, tạo đột phá cho nhóm hàng mới và nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gia tăng, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Ông Hải cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu trong thời gian tới theo hướng: Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Phát triển thị trường; Chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Kiểm soát nhập khẩu; Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của hiệp hội ngành hàng.

Theo ông Nguyễn Bảo, Tham tán Thương mại tại Ốt-xtờ-rây-li-a, việc hỗ trợ cho công tác xúc tiến xuất khẩu là nhiệm vụ chính của các Thương vụ, nhất là đối với các mặt hàng nước ta cần thiết phải nhập khẩu. Thời gian tới, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp truyền thông nước ngoài vào Việt Nam cần được quan tâm hơn nữa.


           Bà Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại

Trong phần phát biểu tham luận, bà Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, hiện nay chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có ba nội dung chính: xúc tiến xuất khẩu; xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại thị trường miền núi; hải đảo. Việc xúc tiến xuất khẩu như tham gia hội chợ nước ngoài, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp… đã nhận được sự phối hợp hiệu quả từ các Thương vụ trong các vấn đề về thủ tục của các nước liên quan đến đoàn tham gia chương trình xúc tiến, tư vấn cho doanh nghiệp thông tin thị trường nước ngoài cũng như cập nhật thông tin cảnh báo doanh nghiệp về rào cản chống bán phá giá, báo cáo và dự báo thị trường.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại Hội nghị là vấn đề nhập siêu của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Theo ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại tại Trung Quốc, thị trường Trung Quốc đang là thị trường nhập siêu lớn của Việt Nam, chủ yếu là mặt hàng nguyên vật liệu như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng, v.v… Một số nguyên nhân chủ yếu của việc nhập siêu là do nhu cầu thiết bị, máy móc nhập khẩu để sử dụng trong nước cũng như sản xuất hàng xuất khẩu rất lớn và các ưu đãi thuế từ Hiệp định ACFTA, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng với sự khuyến khích từ Chính phủ Trung Quốc. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho hàng hóa nhập khẩu vào nước ta.


              Thứ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận Hội nghị

 

 Thứ trưởng Trần Tuấn Anh
"Được ví như “ăng-ten” của Bộ Công Thương ở nước ngoài, các Tham tán Thương mại cần đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tạo lập chính sách thông qua việc nắm bắt thông tin bên ngoài và tư vấn cho các đơn vị trong nước"


Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã biểu dương và ghi nhận những đóng góp rất tích cực và nỗ lực của các Thương vụ trong việc hoàn thành mục tiêu xuất nhập khẩu mà Chính phủ và Quốc hội giao phó cũng như những nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ đề ra. Sự phối hợp giữa các Thương vụ với các đơn vị trong Bộ và các đơn thuộc Bộ, ngành khác đã tạo ra điều kiện rất thuận lợi để đạt được hiệu quả tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như hợp tác quốc tế trong tất cả lĩnh vực về khoa học công nghệ, công nghiệp, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Thứ trưởng cũng cho rằng, muốn thực hiện được các biện pháp trong công tác xuất nhập khẩu trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần nhận được thông tin về tình hình thị trường tại các nước tại địa bàn các Tham tán phụ trách. Cần tăng cường các biện pháp để quản lý xuất nhập khẩu, trước hết là các biện pháp quản lý nhập khẩu ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngoài ra, các Tham tán cần tăng cường công tác tư vấn, tham mưu về chính sách quản lý xuất nhập khẩu và hỗ trợ cho việc nghiên cứu, điều tra trong một số trường hợp cụ thể. Được ví như “ăng-ten” của Bộ Công Thương ở nước ngoài, các Tham tán Thương mại cần đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tạo lập chính sách thông qua việc nắm bắt thông tin bên ngoài và tư vấn cho các đơn vị trong nước. 


Lượt xem: 318

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1218

Tổng truy cập: 18466134