Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chiến lược công nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng gắn với nâng cao trình độ công nghệ

2013-12-24 17:25:00.0

Ngày 23/12/2013, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại 2013 chuyên đề về Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020. Các Tham tán Thương mại và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã tham dự và thảo luận tại Hội nghị.

Ngày 23/12/2013, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại 2013 chuyên đề về Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020. Các Tham tán Thương mại và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã tham dự và thảo luận tại Hội nghị.

Công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao

Tại Hội nghị, các đại biểu đã theo dõi phần trình bày của ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp về Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020. Nhận định tổng quan về tình hình phát triển, theo ông Giám, công nghiệp năm 2013 của nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật. Công nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng cao trong một thời gian khá dài, bình quân đạt trên 15%; Công nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng ở cả 3 khu vực: Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài; Vị thế của ngành công nghiệp nước ta ngày càng được khẳng định trong nền kinh tế quốc dân, sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng, đảm bảo cung ứng các sản phẩm và nguyên liệu thiết yếu cho cả tiêu dùng và sản xuất; Xuất khẩu chiếm trên 80% kim ngạch.


                     Thứ trưởng Lê Dương Quang chủ trì phiên Hội nghị

Tuy nhiên, báo cáo của ông Dương Đình Giám cũng chỉ rõ những hạn chế của ngành công nghiệp nước ta trong năm qua. Theo đó, giá trị gia tăng (VA) thấp và có xu hướng giảm; Hiệu quả đầu tư và trình độ công nghệ còn thấp; Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy tác dụng; Phân bố không gian công nghiệp còn thiếu hợp lý; Sự hợp tác, liên kết trong phát triển công nghiệp còn yếu; Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, phụ liệu; Công tác xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch còn yếu, v.v…

Từ thực tế này, các ngành công nghiệp Việt Nam cần rút ra nhiều bài học: Đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; Không đầu tư dàn trải, có trọng tâm cho từng giai đoạn; Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý; Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; Nâng cao chất lượng các chiến lược, quy hoạch; Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn nền kinh tế.


Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp cũng phân tích những cơ hội cùng thách thức đối với ngành công nghiệp Việt Nam. Về cơ hội, Việt Nam đang đón đầu được làn sóng đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ, đặc biệt là từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Biến động về địa chính trị của khu vực thời gian gần đây đã tạo ra xu hướng dịch chuyển của các dòng đầu tư. Các FTA giữa Việt Nam, ASEAN và các nước đối tác (TPP, VN-EU, ASEAN+6…) đã mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho nước ta. Tuy vậy các thách thức đặt ra đối với Việt Nam cũng không nhỏ, đó là: Cạnh tranh từ các nước trong khu vực; Suy thoái kinh tế toàn cầu; Thách thức từ các cam kết hội nhập trong lĩnh vực công nghiệp trong khuôn khổ các FTA; Biến đổi khí hậu và ác vấn đề môi trường, an ninh năng lượng ngày càng trở nên nghiêm trọng, v.v…

Tăng trưởng gắn với nâng cao trình độ công nghệ

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá hiện trạng công nghiệp Việt Nam, việc đề xuất chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam thời gian tới cần dựa trên các quan điểm: Khai thác triệt để lợi thế trong nước và cơ hội quốc tế; Tham gia chủ động và hiệu quả vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và quốc tế; Thu hút đầu tư có chọn lọc; Huy động tối ta mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế; Phát triển các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, quy trình công nghệ hiện đại; Làm nền tảng quan trọng cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia; Gắn với tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trên quan điểm chiến lược đó, nội dung chiến lược và các định hướng ưu tiên của công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: Điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp; Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; Phân bố không gian công nghiệp. Về vấn đề điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp, cần từng bước điều chỉnh từ chủ yếu dựa trên số lượng sang chất lượng, dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Điều chỉnh gắn với nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam. Tăng trưởng gắn với nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động. Tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp. Đối với việc phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, cần khai thác một cách hiệu quả do nguồn lực này là có hạn. Việt Nam cần lựa chọn hợp lý để tạo động lực cho phát triển. Các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Về vấn đề điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, mục tiêu cần đảm bảo phù hợp giữa các vùng; làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cân đối giữa các địa phương, vùng, miền; giải quyết tình trạng mật độ công nghiệp ở một vài khu vực quá cao; Đảm bảo mỗi ngành công nghiệp có thể khai thác tối đa lợi thế tại chỗ và tận dụng tốt nhất các đặc điểm về hạ tầng, vị trí địa lý của từng khu vực; thực hiện liên kết hiệu quả giữa các địa phương, vùng, miền; Tạo động lực cho quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn; đảm bảo phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và các nguồn lực cho phát triển công nghiệp và an ninh quốc phòng; đẩy nhanh nâng cấp hạ tầng và điện khí hóa nông thôn miền núi.

Các đại biểu đã cùng nhau phân tích về những giải pháp phát triển cho ngành công nghiệp của Việt Nam. Theo đó, về giải pháp trước mắt, nhiều đại biểu cho rằng cần phải đổi mới thể chế phát triển công nghiệp kết hợp với việc phát triển hệ thống dịch vụ công nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, về giải pháp dài hạn, chúng ta cần lựa chọn đối tác chiến lược cho các ngành công nghiệp ưu tiên; Điều chỉnh chất lượng tăng trưởng công nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ; Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ; Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Liên quan đến việc lựa chọn đối tác chiến lược, các đại biểu đề xuất Chính phủ cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với các nhà đầu tư để nâng cao khả năng thu hút các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị kỹ một số dự án đầu tư quan trọng, chọn và mời trực tiếp một số tập đoàn lớn. Một số các ý kiến khác cũng cho rằng, chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu để giảm thiểu việc nhập khẩu vấn đề này từ nước ngoài, giúp tăng cường khả năng chủ động sản xuất.


                 Thứ trưởng Lê Dương Quang chỉ đạo Hội nghị

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho rằng, chiến lược phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2020 là một chính sách trọng tâm được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chú trọng đầu tư. Để thực hiện thành công chiến lược này đòi hỏi chúng ta phải vận dụng tất cả mọi nguồn lực, trí tuệ và sáng tạo của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương. Trong đó vai trò thông tin, tham mưu và kết nối thị trường của các Thương vụ là vô cùng quan trọng.

Đối với một số ngành công nghiệp mũi nhọn, chúng ta đã có chủ trương để tập trung phát triển, tuy nhiên cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh đồng bộ. Thời gian tới Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, đồng thời tập trung chỉ đạo, ưu tiên xây dựng cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh cho các ngành công nghiệp mũi nhọn. Thứ trưởng nhấn mạnh thêm, chỉ có làm tốt các công tác này chúng ta mới đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp.


Lượt xem: 178

Thống kê truy cập

Đang truy cập:445

Tổng truy cập: 18628107