Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Hai ước tính giảm 17,1% so với tháng trước

2018-03-05 15:05:00.0

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Hai ước tính giảm 17,1% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2/2018 do Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 ước tính tuy giảm 17,1% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tháng 2 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn. So với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 3%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1%; khai khoáng giảm 1,8%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2017, trong đó ấn tượng nhất vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,7%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số sản xuất của Bắc Ninh tăng cao nhất với mức tăng 45,1%....

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2018 tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,3%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 3,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,6%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%.

Lao động trong các doanh nghiệp tại thời điểm 1/2/2018 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Cần Thơ tăng 33,8%; Thái Nguyên tăng 17,3%; Bắc Ninh tăng 15,1%; Vĩnh Phúc tăng 8,3%; Hải Phòng tăng 5,6%; Hải Dương và Quảng Nam cùng tăng 3,2%; Bình Dương tăng 3,1%; Hà Nội tăng 2,2%; Quảng Ninh tăng 1,4%; Đồng Nai tăng 1,3%; Đà Nẵng tăng 1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 0,2%.

Trong tháng 2, cả nước có 7.864 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 99,1 nghìn tỷ đồng, giảm 27,4% về số doanh nghiệp và tăng 0,8% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 38,9%; tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới hơn 71,1 nghìn người, giảm 16,6%.

Cùng tháng 2, cả nước có 2.319 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 49,4% so với tháng trước; có 4.232 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 2.677 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 1.555 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), giảm 68,2%; có 975 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 37,3%.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 18.703 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 197,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 0,1%.

Trong 2 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đông Nam Bộ vẫn là khu vực dẫn đầu với 8,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 33%, vốn đăng ký 94,4 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7…

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 17.132 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 11.191 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 29% và 5.941 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 23,1%.

Với hoạt động đầu tư, hoạt động chủ yếu trong tháng là tập trung thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm trước và triển khai kế hoạch đầu tư năm 2018. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 ước tính đạt 12.582 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 29.076 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/2/2018 thu hút 411 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.391,2 triệu USD, tăng 31,3% về số dự án và giảm 31,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 133 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 700,3 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2018 còn có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.253,4 triệu USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 471 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 858,9 triệu USD và 402 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 394,5 triệu USD.

Trong 2 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 817,4 triệu USD, chiếm 58,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Cả nước có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 2 tháng đầu năm, trong đó Ninh Thuận có số vốn đăng ký lớn nhất với 253,9 triệu USD, chiếm 18,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trong số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng năm nay, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 353,5 triệu USD, chiếm 25,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với việc tăng cường đầu tư ra nước ngoài sẽ tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam. Trong năm 2017, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 4 vào Việt Nam, chưa kể nguồn đầu tư gián tiếp, thông qua trung gian.

Ngoài ra, với việc đẩy mạnh các chiến lược đề ra sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ảnh hưởng của nước này đối với kinh tế các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ ngày càng mạnh mẽ.

Ngoài ra, việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cũng như các FTA mới sẽ được ký kết như CPTPP cũng sẽ tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam. Đây là những cơ hội, song cũng đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp nhanh chóng để tăng cường năng lực cạnh tranh.


Lượt xem: 205

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1002

Tổng truy cập: 18466134