Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2018 tăng 0,08%

2018-05-07 16:04:00.0

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2018 tăng 0,08% so với tháng trước, trong đó 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,18%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 7/4/2018 và thời điểm 23/4/2018 (tác động làm CPI chung tăng 0,11%).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2018 tăng 2,80% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 4/2018 tăng 1,05% so với tháng 12/2017 và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2018 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei cũng công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 26,6%; sản xuất kim loại tăng 16,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 14,9%... Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 4,8%; khai thác than cứng và than non tăng 4,4%; sản xuất thuốc lá tăng 3,5%...

Cùng với đó, có một số sản phẩm công nghiệp tăng cao là sắt thép thô tăng 38,2%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 26,2%; sữa bột tăng 20,7%; thức ăn cho thủy sản tăng 19%; ti vi tăng 17,5%; thủy hải sản chế biến tăng 11,8%.

Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 3,1%; bột ngọt tăng 2,9%; dầu gội đầu, dầu xả tăng 2,8%; điện thoại di động tăng 2,6%; sữa tươi giảm 0,5%...

Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như Bắc Ninh tăng 33,4%; Hải Phòng tăng 24%; Vĩnh Phúc tăng 13,5%; Thái Nguyên tăng 12,1%; Hải Dương tăng 10,7%; Hà Nội và Đồng Nai cùng tăng 8,1%; Đà Nẵng tăng 8%; Bình Dương tăng 7,9%; Cần Thơ tăng 7,3%; Quảng Ninh tăng 6,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước...

Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 14%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,7%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%; ngành khai khoáng giảm 1,2%.

Tổng thu ngân sách nhà nước  từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2018 ước tính đạt 364,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.

Điều đáng lưu ý là nguồn thu nội địa vẫn giữ đà tăng, đạt 295,7 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9%; thu từ dầu thô đạt 16,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 52,4 nghìn tỷ đồng, bằng 29,3%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 48,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6%.

Các nguồn thu từ thuế vẫn giữ đà tăng. Cụ thể là: thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 60,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; thu thuế thu nhập cá nhân 31,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2%; thu thuế bảo vệ môi trường 10,2 nghìn tỷ đồng, bằng 20,9%; thu tiền sử dụng đất đạt 32,2 nghìn tỷ đồng, bằng 37,5%.

Tổng chi ngân sách nhà nước  từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2018 ước tính đạt 353,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm.

Trong đó, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, với 260,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; chi đầu tư phát triển đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, bằng 13,7%; chi trả nợ lãi 37,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,4%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2018 thu hút 883 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.553,8 triệu USD, tăng 20,3% về số dự án và giảm 27,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, có 303 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.244,8 triệu USD, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 4 tháng đạt 5.798,6 triệu USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.


Lượt xem: 310

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1051

Tổng truy cập: 18466134