Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2017 tăng 0,21%

2018-01-08 08:54:00.0

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2017, CPI tăng 0,21% so với tháng 11, tăng 2,6% so với tháng 12/2016.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2017, CPI tăng 0,21% so với tháng 11, tăng 2,6% so với tháng 12/2016. Trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,55% do trong tháng có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, làm CPI chung tăng khoảng 0,13%. CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2016. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng mức và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống là 494.700 tỷ đồng, bằng 12,6% tổng chung. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 35.900 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ khác đạt 466.300 tỷ đồng, chiếm tương ứng 0,9% và 11,8% trong tổng chung.

Trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, với tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 3,1 triệu tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh 45,4% so với năm 2016.

Năm 2017, dòng vốn đầu tư vào khu vực Đông Nam bộ tiếp tục dẫn đầu cả nước, chiếm hơn 52%. Đứng thứ hai là khu vực đồng bằng sông Hồng, chiếm 23,6%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, chiếm 12,4%; đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 5,4%; Trung du và miền núi phía Bắc, chiếm 4,2% và Tây Nguyên chỉ chiếm 1,9%.

Dòng vốn đăng ký đầu tư chủ yếu vào kinh doanh bất động sản, chiếm tới 30%, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chiếm 15,3%; xây dựng chiếm 14,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 11,2%...

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt cao hơn 6,7%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với năm 2016, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao giúp cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Năng suất lao động dần được cải thiện, việc sử dụng các nguồn lực sản xuất hiệu quả hơn. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 6,5 - 6,8%.

GDP tăng khoảng 6,81% so với năm 2016, vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm trong giai đoạn 2011 - 2016. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. 

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,7% (Quốc hội giao 6,5 - 6,7%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 10% (Quốc hội giao tăng 7 - 8%), trong đó xuất khẩu nông sản, lâm sản và thủy sản đạt 36 - 37 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt; thành lập 135.000 doanh nghiệp mới; tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3% so với dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN khoảng 64,1%; dư nợ công khoảng 63,9%; nợ chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP. 

Tính từ đầu năm đến ngày 20/12/2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng gần gấp 2 lần so với năm 2014 (20 tỷ USD).

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài với 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng năm 2017.

Theo đối tác đầu tư, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất.

Trong năm 2017, cán cân thương xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu mạnh nhất sang Hoa Kỳ đạt 41,5 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016, trong khi nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với kim ngạch đạt 58,5 tỷ USD, tăng 16,9%.

Trong tháng 12/2017, xuất khẩu nông sản, lâm sản và thủy sản đạt khoảng 3,13 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu thuỷ sản chính đạt khoảng 8,32 tỷ USD, tăng 18%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 7,97 tỷ USD, tăng 9,2%. 

Kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15/12 đã đạt 3,345 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Rau quả của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, tiếp đến là các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan… Dự kiến, cả năm 2017 xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ 2016.


Lượt xem: 460

Thống kê truy cập

Đang truy cập:470

Tổng truy cập: 18519174