Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2017 tăng 0,13%

2017-12-08 08:57:00.0

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2017 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,38% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,61%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2017 tăng 0,13% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với 0,68% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 4/11/2017 và 20/11/2017 (tác động làm CPI tăng khoảng 0,07%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,2%, trong đó dịch vụ y tế tăng 0,23% do trong tháng có 2 tỉnh thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,15%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm nay tăng 3,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 11/2017 tăng 2,38% so với tháng 12/2016 và tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2016.

Lạm phát cơ bản tháng 11/2017 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,28% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 1,42% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Chỉ số giá vàng tháng 11/2017 giảm 0,3% so với tháng trước; tăng 4,86% so với tháng 12/2016 và tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2017 giảm 0,01% so với tháng trước; giảm 0,07% so với tháng 12/2016 và tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 344,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 258,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 12,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 7,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 22,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 41,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 11,3%. 

Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.600,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,9%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng ước đạt 2.697,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng mức và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ ô tô tăng 17,8%; đá quý, kim loại quý tăng 15,2%; hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,5%; xăng dầu các loại tăng 11,8%; lương thực, thực phẩm tăng 10,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,7%; may mặc tăng 9,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,2%; phương tiện đi lại tăng 8,5%.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong những tháng cuối năm có chuyển biến tích cực. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án đầu tư. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 31,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 6,6 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 24,8 nghìn tỷ đồng. Tính chung 11 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 252,8 nghìn tỷ đồng, bằng 82,9% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/11/2017 thu hút 2.293 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 19,8 tỷ USD, tăng 2,4% về số dự án và tăng 52% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 1.100 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 8 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 11 tháng năm 2017 lên 27,8 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 11 tháng năm nay còn có 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,3 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 11 tháng đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 11 tháng năm nay, cả nước có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Thanh Hóa có số vốn đăng ký lớn nhất với 3.146,8 triệu USD, chiếm 15,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Khánh Hòa 2.583,6 triệu USD, chiếm 13,1%; Nam Định 2.130,1 triệu USD, chiếm 10,8%; thành phố Hồ Chí Minh 1.932,5 triệu USD, chiếm 9,8%; Kiên Giang 1.342,3 triệu USD, chiếm 6,8%; Bình Dương 1.304,8 triệu USD, chiếm 6,6%; Hà Nội 1.073,5 triệu USD, chiếm 5,4%; Tây Ninh 719,4 triệu USD, chiếm 3,6%; Bắc Giang 602,3 triệu USD, chiếm 3%; Đồng Nai 586,2 triệu USD, chiếm 3%; Hưng Yên 352,3 triệu USD, chiếm 1,8%.

Trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 7.659,1 triệu USD, chiếm 38,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 3.789,6 triệu USD, chiếm 19,1%; Xin-ga-po 3.248,3 triệu USD, chiếm 16,4%; Trung Quốc 1.352,7 triệu USD, chiếm 6,8%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 679,3 triệu USD, chiếm 3,4%; CHLB Đức 337,5 triệu USD, chiếm 1,7%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Mười Một ước tính tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 24,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 13%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10%; riêng ngành khai khoáng giảm 4,1%.

 Tính chung 11 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng năm nay và cao hơn nhiều mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.

Trong 11 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 30,1%; sắt, thép thô tăng 26,7%; thép cán tăng 16,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 14,5%; phân urê tăng 13,4%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 3,6%; thuốc lá điếu tăng 1%; giày, dép da tăng 0,8%; than đá giảm 1%; ô tô giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 7,2%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 9,5%; dầu thô khai thác giảm 10,6%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 35,5%; Hải Phòng tăng 20%; Thái Nguyên tăng 18,3%; Bình Dương tăng 10,4%; Hải Dương tăng 9,6%; Đà Nẵng tăng 9,5%; Đồng Nai tăng 8,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Vĩnh Phúc tăng 7,5%;  Cần Thơ tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7%; Quảng Ninh tăng 3,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,8%; Quảng Nam giảm 4,8%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/11/2017 tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2016 tăng 8,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 5,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 3,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 3,2%; dệt tăng 1,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 0,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1,8%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic giảm 21,7%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11/2017 tăng 5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2017 ước tính đạt 999,1 nghìn tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 790,4 nghìn tỷ đồng, bằng 79,8%; thu từ dầu thô 39,5 nghìn tỷ đồng, bằng 103,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 164,8 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5%.

Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 92,1 nghìn tỷ đồng, bằng 144,5% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 68,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,7%; thu thuế bảo vệ môi trường 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 79,6%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 152,3 nghìn tỷ đồng, bằng 78,3%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 139,8 nghìn tỷ đồng, bằng 69,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 184,7 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2017 ước tính đạt 1.065,7 nghìn tỷ đồng, bằng 76,6% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 773 nghìn tỷ đồng, bằng 86,2%; chi trả nợ lãi 84,7 nghìn tỷ đồng, bằng 85,7%; riêng chi đầu tư phát triển đạt 203,1 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 56,9% dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 198,1 nghìn tỷ đồng, bằng 56,2%). Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2017 ước tính đạt 145,7 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán năm.


Lượt xem: 153

Thống kê truy cập

Đang truy cập:617

Tổng truy cập: 18524946