Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,41%

2017-11-07 10:22:00.0

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 được ghi nhận tăng 0,41% so với tháng 9. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, CPI biến động khá mạnh.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng 0,41% so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,14% (dịch vụ y tế tăng 2,79%) do trong tháng có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,11%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63%; giao thông tăng 0,61% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 20/9/2017, mặc dù trong tháng Mười giá xăng dầu có 2 đợt điều chỉnh giảm làm chỉ số giá nhiên liệu tăng 1,44%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%, trong đó lương thực tăng 0,57%; thực phẩm tăng 0,37%; giáo dục tăng 0,19% (dịch vụ giáo dục tăng 0,21%) do trong tháng có 6 tỉnh thực hiện lộ trình tăng học phí; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá và bưu chính viễn thông cùng tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 10/2017 tăng 2,25% so với tháng 12/2016 và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2016.

Lạm phát cơ bản tháng 10/2017 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 340,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 253,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 11,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% và tăng 16,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3% và tăng 28,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 39,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 11%. 

Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.258 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2016 tăng 9%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước tính đạt 2.439 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng mức và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,5%; lương thực, thực phẩm tăng 10,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,9%; may mặc tăng 9,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,8%; phương tiện đi lại tăng 8,4%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 ước tính tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 2,1%; ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 22,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 12%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8%.

Tính chung 10 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm 2016 và cao hơn mức tăng 7,9% của 9 tháng năm nay. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao với mức tăng 13,6%, đóng góp 9,6 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,3%, đóng góp 0,6 điểm %; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%, đóng góp 0,1 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 7,4%, làm giảm 1,6 điểm % mức tăng chung.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước tính đạt 28,3 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 6,4 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 21,9 nghìn tỷ đồng. Tính chung 10 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 221 nghìn tỷ đồng, bằng 72,5% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016, 

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2017 thu hút 2.070 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,3 tỷ USD, tăng 0,4% về số dự án và tăng 32,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, có 1.001 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 7,2 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 10 tháng năm 2017 lên 23,5 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 10 tháng năm 2017 có 4.156 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,7 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 10 tháng đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 10 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 35,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 34,5%; các ngành còn lại đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 30,2%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng năm nay đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 48,7% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 20%; các ngành còn lại đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 31,3%.


Lượt xem: 134

Thống kê truy cập

Đang truy cập:534

Tổng truy cập: 18516420