Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chế biến gỗ xuất khẩu – Điểm sáng trong bức tranh công nghiệp Bình Dương

2019-03-27 15:21:00.0

Ngành chế biến gỗ Bình Dương là một trong những ngành nghề xuất khẩu chủ lực, với lợi thế có nhờ nguồn lao động có tay nghề cao, được trang bị máy móc hiện đại nên các sản phẩm gỗ có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Bình Dương luôn là một trong những địa phương hàng đầu của cả nước về xuất khẩu đồ gỗ (chiếm trung bình 35% – 40%)

Trong những năm qua, ngành chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định (trung bình 12 – 15%/ năm), là một trong những ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm từ 12 – 14%) và Bình Dương luôn là một trong những địa phương hàng đầu của cả nước về xuất khẩu đồ gỗ (chiếm trung bình 35% – 40%). Cụ thể trong đoạn 2011-2015 giá trị sản xuất công nghiệp ngành gỗ tăng 15,9%. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2017, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước. Toàn tỉnh có khoảng 1.215 doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó: 905 doanh nghiệp trong nước (tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng); 310 doanh nghiệp nước ngoài (tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD).  Thị trường chính của ngành là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, ngoài ra ngành chế biến gỗ còn phát triển thêm được các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ… 

Để có được những thành công của ngành trước tiên phải kể đến các yếu tố như: thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên;cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp khá tốt; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và an sinh xã hội như: hệ thống kho logistics, hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện ... đã được tỉnh đầu tư tương đối đồng bộ và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.  Thêm vào đó, tỉnh đã và đang xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phát triển  các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của tỉnh nói chungvà ngành chế biến gỗ xuất khẩu nói riêng. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng, điển hình như Chương trình khuyến công đã hỗ trợ cho 07 doanh nghiệp gỗ về chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến với kinh phí hỗ trợ 1,380 tỷ đồng. Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại cũng đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương tổ chức thành công Hội chợ Quốc tế về máy móc, thiết bị chế biến gỗ và nguyên liệu gỗ năm 2018 với 170 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 778 gian hàng, gồm 50 doanh nghiệp trong nước và 120 doanh nghiệp nước ngoài; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá cho Hội chợ thông qua xây dựng trang web Bifawoodvietnam.com và đăng tải thông tin giới thiệu trên các tạp chí chuyên ngành, thời báo. Ngoài ra, đã hỗ trợ cho đại diện 15 doanh nghiệp tham gia hội chợ Index Dubai 2018 với các sản phẩm thuộc ngành hàng gỗ, gốm sứ, sơn mài điêu khắc.Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn chủ động đề ra các giải pháp thu hút đầu tư nhằm tạo ra nguồn lực để phát triển; thông qua việc duy trì và thực hiện có hiệu quả chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”; luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thường xuyên đồng hành cùng doanh nghiệp; v.v... Hàng năm, tỉnh đều tổ các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Riêng đối với các doanh nghiệp trong nước, các Hiệp hội, giao Sở Công thương thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh để tỉnh kịp thời tháo gỡ.

Tuy nhiên, ngành gỗ xuất khẩu Bình Dương vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như: Nguồn nguyên liệu trong nước còn ít về số lượng và yếu về chất lượng, đa phần nguyên liệu đều phải nhập khẩu (nguyên liệu gỗ nhập khẩu 70%; trong nước 30%); đa số các doanh nghiệp chưa phát triển kỹ năng thiết kế, phát triển mẫu mã sản phẩm và đặc biệt xây dựng thương hiệu, chính ví vậy, khả năng đáp ứng sự thay đổi thị hiếu của thị trường còn rất chậm và bị động trong việc tiếp cận trực tiếp nhu cầu của thị trường thế giới; còn có sự chênh lệch về công nghệ và máy móc thiết bị sản xuất; trình độ quản lý của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp FDI; lao động kỹ thuật, lao động quản lý, nhìn chung thiếu ổn định, chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, mặt khác chi phí nhân công có chiều hướng ngày càng tăng, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cũng như hiệu qủa của doanh nghiệp…

Nhằm tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khó khăn, thời gian tới chính quyền, doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu Bình Dương đã xác định sẽ tập trung thực hiện những định hướng sau:

1. Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành chế biến gỗ ( Sản xuất: bulong, ốc vis, tay nắm cửa, bản lề ..v.v) nhằm thay thế hàng nhập khẩu, góp phần tăng năng suất nội bộ ngành, hàm lượng công nghệ và giá trị nội địa trong sản phẩm.

2. Thực hiện tốt các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ tham gia các triễn lãm quốc tế uy tín, tổ chức các chương trình khảo sát thị trường, tìm kiếm nguồn nguyên liệu theo nhu cầu của doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất.

3. Duy trì việc tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, giới thiệu cơ hội đầu tư, v.v... Liên kết, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng trồng tại tỉnh và các địa phương trong cả nước.

4. Tập trung đổi mới công nghệ, thân thiện với môi trường trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...Tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ cao, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, dự án có giá trị gia tăng cao, nguy cơ gây ô nhiễm thấp và có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách.

6. Đẩy mạnh công tác đào tạo cho ngành chế biến gỗ với các chương trình đào tạo phù hợp, chuyên nghiệp và theo các tiêu chuẩn quốc tế; tạo sự liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề; các trường cao đẳng, đại học, v.v...

7. Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc chủ động đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất của đội ngũ quản lý, đào tạo kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp và ý thức của người lao động để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Hy vọng với những định hướng đúng đắn trên, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Bình Dương sẽ có những bước tiến dài hơn, xa hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.                                                                     


Lượt xem: 1629

Thống kê truy cập

Đang truy cập:408

Tổng truy cập: 18655617