Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Cẩn trọng bẫy gian hàng ảo dropshipping

Fri Mar 29 07:37:00 GMT+07:00 2024

Cẩn trọng bẫy gian hàng ảo dropshipping

Lợi dụng mô hình kinh doanh trực tuyến, các đối tượng tạo các gian hàng ảo, sau đó kêu gọi nhiều người nạp tiền để kinh doanh nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

“Phù phép” gian hàng ảo

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, những ứng dụng kinh doanh trực tuyến đã thu hút được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình kinh doanh chân chính là các ứng dụng lừa đảo vô cùng tinh vi.

Nổi bật nhất thời gian qua là mô hình kinh doanh dropshipping. Với phương pháp này, người bán vẫn có thể kinh doanh mà không cần kho hàng, không cần quan tâm về khâu vận chuyển. Khi đơn hàng được chốt, người bán sẽ chuyển đơn đến nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp rồi nhận phần trăm hoa hồng.

Những chiêu thức phù phép gian hàng ảo lừa đảo người bán hàng

Các đối tượng lợi dụng mô hình hoạt động của dropshipping để lừa đảo (Ảnh minh họa)

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong kinh doanh mô hình dropshiping, anh Nguyễn Tiến Mạnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mô hình kinh doanh dropshipping là xu hướng kinh doanh của thời đại vì có thể tận dụng được nguồn lực của cộng đồng, giúp nhà bán hàng giảm chi phí vận hành và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm giá tốt nhất.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng phương thức trên để lừa đảo người bán hàng. Các đối tượng đã tạo ra những ứng dụng, gian hàng được thiết kế chuyên nghiệp, thậm chí sử dụng các nền tảng có sẵn để nhân bản nhiều cửa hàng mới. Sau đó, chúng lấy ảnh và bài viết từ bên thứ ba để đăng tải. Nguồn ảnh sản phẩm chủ yếu từ các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới.

Khi tạo xong cửa hàng trực tuyến, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm kiếm "con mồi" bằng cách quảng cáo cuốn hút trên các mạng xã hội như Facebook, TickTok. Những gian hàng này thường quảng cáo sản phẩm do một nhãn hàng độc lập sản xuất. Khi nhấn link quảng cáo, một trang web rất chuyên nghiệp sẽ hiện ra. Thậm chí website này còn có những hình ảnh nơi sản xuất, câu chuyện đằng sau sản phẩm và thậm chí là một số chứng nhận chất lượng để tăng uy tín cho gian hàng.

Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn ngang nhiên sử dụng hình ảnh của các cơ quan, tổ chức, nhãn hàng lớn để tạo uy tín cho gian hàng ảo. Được biết, ngày 8/6/2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã cùng Amazon Global Selling ký thoả thuận hợp tác triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”, góp phần nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp thông qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng sự kiện này để tạo ra các hình thức lừa đảo mới vô cùng tinh vi.

Theo cảnh báo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, các đối tượng đã sử dụng hình ảnh, logo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Amazon Global Selling để đưa các thông tin dẫn dụ người dùng tham gia các hoạt động kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn kêu gọi người tham gia mô hình sẽ được tặng 20.000 đồng vào tài khoản và khi đăng ký mở cửa hàng thành công, đơn hàng đầu tiên sẽ nhận được 200.000 đồng từ hệ thống.

Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn kêu gọi người đã đăng ký mở cửa hàng lôi kéo người thân tham gia cùng và gắn bó lâu dài với công việc, thậm chí đăng tuyển các cộng tác viên với mức lương từ 20 triệu đồng trở lên để lôi kéo đông đảo người tham gia.

Thận trọng với những ứng dụng kinh doanh trực tuyến

Với những thủ thuật tinh vi, các đối tượng kêu gọi nhiều người tham gia bán hàng trung gian để hưởng hoa hồng cao. Bằng các chiêu bài đánh vào lòng tham và thao túng tâm lý bài bản đã khiến nhiều người trở thành nạn nhân, trong đó có người mất số tiền nhiều tỷ đồng.

Ngày 26/3, Công an TP. Hà Nội cho biết, chị H. (trú tại Hà Nội) đã bị chiếm đoạt 12 tỷ đồng khi tham gia mô hình kinh doanh dropshipping qua ứng dụng Supply Helper.

Ban đầu chị H. có quen biết với một người giới thiệu bán hàng online và được khoe vừa lãi 80 triệu đồng sau khi bán được 2 chiếc đồng hồ qua ứng dụng Supply Helper.

"Bóc mẽ" những chiêu thức phù phép gian hàng ảo lừa đảo người bán hàng
Ứng dụng lừa đảo Supply Helper (Ảnh: Công an TP. Hà Nội)

Vì tin tưởng người này, chị H. đã tải ứng dụng này để kinh doanh. Khi khách đặt hàng, chị H. phải gửi lệnh thanh toán bằng đồng USD trên ứng dụng và quy đổi thành tiền Việt Nam để chuyển cho các đối tượng. Sau khi khách nhận được hàng, chị H. sẽ nhận lại được tiền gốc và 18% tiền lãi. Đơn hàng đầu tiên, chị H. nạp vào hơn 500 USD, lãi hơn 60 USD và nhận được đầy đủ tiền hàng và lãi. Sau đó chị H. tiếp tục đặt 46 đơn hàng và rút được tiền của một số đơn hàng.

Thấy mô hình kinh doanh online quá dễ dàng mà lại có lợi nhuận cao, chị H. nạp thêm 12 tỷ đồng vào ứng dụng để mua đơn hàng lớn. Thế nhưng khi nạp vào số tiền lớn, chị H đã không thể rút được tiền và không thể liên lạc được với chủ gian hàng. Khi đó chị H. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, chị N.T.L (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng đã trở thành nạn nhân của hình thức bán hàng trung gian. Cuối năm 2023, chị L. được một tài khoản trên mạng xã hội Facebook có tên Trần Đình Hảo làm quen và cho biết đang bán nhiều sản phẩm chiết khấu cao rồi mời chị L. tham gia kinh doanh. Theo đó, chị L. đã mở tài khoản và đăng tin bán hàng. Chỉ đăng tin trong thời gian ngắn đã có người đặt mua hàng và phía nhà cung cấp là Trần Đình Hảo yêu cầu người bán phải trả tiền trước mới xuất hàng gửi cho khách.

Lúc đầu là những đơn 100 nghìn đồng và khách hàng chuyển lại tiền cho chị L. đầy đủ. Mỗi đơn hàng như vậy chị L. lãi được khoảng 20% giá trị đơn hàng. Những đơn hàng sau vẫn suôn sẻ và lợi nhuận tăng lên tới cả trăm triệu đồng, khiến chị càng tin tưởng vào mô hình kinh doanh này.

Vài tuần sau, chị L. liên tục nhận được những đơn hàng có giá trị vài trăm triệu. Sau khi chị L. chuyển tiền đặt hàng thì các đối tượng nói đây là lỗi hệ thống, cần phải thực hiện lại đơn khác và sẽ được hoàn trả sau. Trong khi đó, phía khách đặt hàng liên tục thúc giục chuyển hàng khiến chị L. vừa lo mất mối vừa lo mất tiền nên tiếp tục chuyển tiền. Khi chị L. chuyển hơn 2 tỷ đồng, thì các đối tượng đã chặn mọi liên lạc. Lúc này chị L. mới nhận ra, tất cả chỉ là màn kịch hoàn hảo do các đối tượng lừa đảo dàn dựng sẵn chứ không phải là mô hình kinh doanh gì lý tưởng.

Trước những hình thức lừa đảo tinh vi trên, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) đã khuyến cáo người bán hàng online phải thận trọng, xác minh kỹ thông tin trước khi tham gia mô hình kinh doanh trung gian. Người bán hàng cần phải tính táo trước những lời hứa lợi nhuận lớn của ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Trong trường hợp phát hiện lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng.


https://m.baobinhduong.vn/

Lượt xem: 2695

Thống kê truy cập

Đang truy cập:493

Tổng truy cập: 18386123