Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Các thách thức đối với Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP

2014-12-26 17:55:00.0

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định TPP) hiện nay có 9 nước tham gia đàm phán, bao gồm: Bru-nây, Chi-lê, Hoa Kỳ, Ma-lai-xia, Niu Di-lân, Ôt-xtrây-lia, Pê-ru, Việt Nam và Xinh-ga-po. Ngoài các nội dung truyền thống như mở cửa thị trường hàng hoá, đầu tư, dịch vụ, ... Hiệp định TPP còn đề cập nhiều vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, liên kết chuỗi cung ứng, ...

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định TPP) hiện nay có 9 nước tham gia đàm phán, bao gồm: Bru-nây, Chi-lê, Hoa Kỳ, Ma-lai-xia, Niu Di-lân, Ôt-xtrây-lia, Pê-ru, Việt Nam và Xinh-ga-po. Ngoài các nội dung truyền thống như mở cửa thị trường hàng hoá, đầu tư, dịch vụ, ... Hiệp định TPP còn đề cập nhiều vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, liên kết chuỗi cung ứng, ...
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu sâu rộng nền kinh tế, Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam giao thương với nhiều thị trường lớn trên thế giới, cải thiện tình trạng nhập siêu quá cao từ Trung Quốc để có thể giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường như thị trường Trung Quốc. Mặc dầu có những trì hoãn do bất đồng trong đàm phán giữa một số nước thành viên, song theo ghi nhận của các chuyên gia, đàm phán về Hiệp định TPP hiện bước vào "giai đoạn tăng tốc" để có thể sớm đạt được thỏa thuận chung cuộc trước cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Tuy nhiên, Hiệp định TPP cũng sẽ đặt ra những thách thức gay gắt, những khó khăn đòi hỏi Việt Nam chủ động tính toán về lợi ích, chuẩn bị những phương án không chỉ cho đàm phán mà còn cho việc triển khai thực thi những cam kết đối với các nước TPP, cụ thể như sau:
- Thứ nhất là về năng lực cạnh tranh
Năng lực cạnh tranh của nước ta còn thấp, chậm cải thiện kể cả 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội từ việc Việt Nam là thành viên của WTO để tổ chức nâng cao trình độ quản trị hiện đại, tham gia tích cực và vững vàng trên thị trường trong nước và quốc tế.Việc giảm thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng những luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp lại. Việc tham gia TPP còn dẫn đến những thách thức lớn về cải cách doanh nghiệp nhà nước, hiện chiếm phần lớn trong tỉ trọng GDP của Việt Nam. Các cam kết từ TPP có thể là sức ép quá lớn, khiến các doanh nghiệp nhà nước không kịp đổi mới, tái cấu trúc, và có thể dẫn đến tình trạng phá sản và thất nghiệp tăng cao.
Cơ sở hạ tầng vận chuyển trên đất liền, cảng biển không phù hợp, kém an toàn khiến chi phí gia tăng, ăn vào lợi nhập thấp và nản lòng các khách hàng. Cung cấp điện còn bất cập và sai sót khiến nhiều nhà sản xuất phải tìm nguồn năng lượng thay thế riêng và đắt đỏ. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các công ty vận tải phải chi thêm 100 triệu USD mỗi năm về phí tồn kho do sự chậm trễ đối với hàng hóa thông quan.
- Thứ 2 là thách thức đối với lĩnh vực pháp lý, thể chế
Về mặt pháp lý, hệ thống các quy định của Việt Nam nhìn chung chưa phát triển bằng những hệ thống của các nước khác thành viên TPP. Do đó, việc đưa hệ thống quy định lên một mức tương xứng với các bên khác là rất thách thức. Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam cần được phát triển một cách hoàn thiện và ổn định hơn. Các văn bản luật quy định chế tài xử phạt đối với các vi phạm về luật sở hữu trí tuệ, môi trường v.v. cũng sẽ phải sớm được điều chỉnh, thực hiện nghiêm túc để đảm bảo thực thi cam kết của Việt Nam đối với các bên tham gia TPP.
- Thứ 3 là thách thức đối với thương mại hàng hóa
Hàng nông sản, thủy hải sản sẽ gặp phải những hàng rào phi thuế quan như dư lượng hóa chất, bao bì, nhãn mác v.v khi thâm nhập thị trường các nước thành viên TPP. Mặc dù đối với hàng nông sản, quy tắc xuất xứ không quá căng thẳng nhưng đối với những mặt hàng chủ lực như dệt may và da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp những khó khăn do phải đáp ứng quy định về chứng minh xuất xứ, ví dụ như ngành dệt may của Việt Nam là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng 75% nguyên vật liệu phải nhập từ Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc không tham gia TPP. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại trên 14 triệu USD do hàng xuất khẩu bị trả lại với nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú ý, các chất gây ô nhiễm v.v. Nếu không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, việc thực hiện những cam kết của Việt Nam với các đối tác TPP sẽ gặp phải thách thức rất lớn.
- Thứ 4 là thách thức đối với nền tài chính ngân hàng
Khi TPP được ký kết, mặc dù có những giới hạn nhất định cho việc mở cửa thị trường ngân hàng, các điều kiện để tiếp cận thị trường trong lĩnh vực này sẽ dần được xóa bỏ. Sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam trong khi “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn yếu kém, nợ xấu, năng lực quản lý thấp, quản trị rủi ro tại các ngân hàng trong nước còn nhiều bất cập...
- Thứ 5 là thách thức từ việc mở cửa thị trường mua sắm công
Các chuyên gia nhận định mua sắm công là một vấn đề rất phức tạp, và vẫn còn tương đối “đóng” trong tự do thương mại quốc tế. Trong WTO, Hiệp định về mua sắm công có sự tham gia của một số lượng rất hạn chế các nước do nhiều quốc gia vẫn giữ quan điểm thận trọng với vấn đề này. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc mở cửa thị trường mua sắm công của Việt Nam sẽ gây ra những tác động bất lợi do sự thâm nhập của các nhà thầu nước ngoài khiến các nhà thầu nội địa không cạnh tranh nổi trong khi khả năng tiếp cận và thắng thầu của các nhà thầu nội địa trên thị trường mua sắm công của các đối tác TPP là hầu như không có do hạn chế về năng lực cạnh tranh.
- Thứ 6 là thách thức đối với an sinh xã hội
Tương tự việc gia nhập WTO, việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP sẽ có thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong kinh tế Việt Nam, theo đó khoảng cách giàu nghèo gia tăng, môi trường lao động sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới an sinh, phúc lợi xã hội. Việt Nam là một nước có tới 70% dân số làm nghề nông nghiệp, do đó sản xuất nông nghiệp là nguồn thu chủ đạo của người dân sống ở nông thôn. Khi TPP có hiệu lực, những điều khoản trực tiếp liên quan đến hàng nông sản như dư lượng kháng sinh, hóa chất, mẫu mã, quy cách sản phẩm… và cả những điều khoản tưởng như không liên quan đến nông nghiệp như lao động cũng có thể ảnh hưởng tới quy mô kinh tế hộ gia đình, làng nghề thủ công tại các vùng nông thôn của Việt Nam.


Lượt xem: 208

Thống kê truy cập

Đang truy cập:424

Tổng truy cập: 18566753