Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương xếp thứ ba về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố

Thu Apr 25 10:07:00 GMT+07:00 2024

Bình Dương xếp thứ ba về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thương mại điện tử nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Xuất khẩu trực tuyến tới người tiêu dùng ở nước ngoài tăng mạnh và sẽ tạo ra xu hướng mới của thương mại điện tử nước ta. Thương mại điện tử cũng lan toả ngày càng sâu vào các ngành như giáo dục, y tế và môi trường.

Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, bao gồm Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT), Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm. Bình Dương đứng thứ ba trong bảng xếp hạng với 51,3 điểm và cũng có khoảng cách rất xa so với Hà nội lên tới 33 điểm.

Điểm trung bình của Chỉ số năm nay là 23,1 điểm. Khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành còn lại là rất lớn.

Khoảng cách giữa tỉnh thành xếp đầu Chỉ số là Tp. Hồ Chí Minh so với tỉnh thành thấp nhất trong bảng xếp hạng của 58 tỉnh thành là 76,4. (5 tỉnh không xếp hạng bao gồm Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La và Hà Giang)

1. Chỉ số về nguồn nhân lực và Hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT)

Trụ cột thứ nhất trong Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT), chỉ số này trong nhiều năm liền vẫn giữ nguyên một số chỉ tiêu quan trọng bao gồm: i) khả năng đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp trong lĩnh vực thương mại điện tử; ii) mức độ ưu tiên tuyển dụng đối với nhân sự có kỹ năng hoặc được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử; iii) mức độ lao động thường xuyên sử dụng e-mail hay các công cụ hỗ trợ khác như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo< trong công việc; iv) tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Mặt khác trụ cột này cũng được bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu quan trọng có tính chất định lượng, thông qua đó làm tăng thêm độ chính xác của bộ chỉ số. Chỉ tiêu quan trọng nhất đối với chỉ số hạ tầng và nguồn nhân lực là tỷ lệ tên miền trên dân số. Chỉ tiêu này của mỗi địa phương được tổng hợp từ nguồn số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Tổng cục Thống kê. Bên cạnh đó mức độ sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử cũng ngày càng được coi là một hạ tầng thiết yếu cho kinh doanh trực tuyến.

Bình Dương xếp thứ 6 về chỉ số này, cho thấy đây là chỉ số mà Bình Dương cần có những giải pháp tập trung cải thiện.

2. Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C)

Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tiếp tục được xây dựng dựa trên nhóm các chỉ tiêu thành phần bao gồm: i) xây dựng website doanh nghiệp; ii) website của doanh nghiệp có tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (Zalo, Facebook<) với khách hàng không; iii) doanh nghiệp có tham gia bán hàng qua các nền tảng như mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử hay không; iv) website có phiên bản di động hay không; v) doanh nghiệp có xây dựng các ứng dụng bán sản phẩm trên các nền tảng di động không; vi) thời gian trung bình lưu lại của khách hàng mỗi lần truy cập vào website thương mại điện tử phiên bản di động/ứng dụng bán sản phẩm của doanh nghiệp ra sao; vii) doanh nghiệp có cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động không; viii) doanh nghiệp có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua sản phẩm của doanh nghiệp không; ix) các hình thức quảng cáo website là gì, ngôn ngữ trên website có đa dạng không. Đối với chỉ số này Bình Dương xếp thứ ba.

3. Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)

Trụ cột thứ ba là chỉ số về Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong năm 2024 được xây dựng từ các tiêu chí: i) sử dụng các phần mềm trong doanh nghiệp; ii) sử dụng chữ kz điện tử; iii) sử dụng hợp đồng điện tử; iv) sử dụng các dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; v) nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến; vi) chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động trong cả năm; vii) doanh nghiệp đánh giá về mức độ quan trọng của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ra sao; viii) mức độ sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Bình Dương xếp thứ ba đối với chỉ số này.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm nay tiếp tục chỉ ra sự cần thiết phải triển khai các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết ba vấn đề lớn nêu trên. Ngoài ra, Báo cáo cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá hiện trạng, ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến, công nghệ giáo dục (EdTech) và công nghệ y tế (HealthTech).

Năm 2024 VECOM tiếp tục hoàn thiện phương pháp tính chỉ số thương mại điện tử. Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp VECOM, còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Tên miền quốc gia “.VN” tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá hạ tầng cho thương mại điện tử. Mặc dù Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy việc đăng kz và sử dụng tên miền quốc gia nhưng sự thay đổi tại một số địa phương rất nhỏ. Do đó, năm nay VECOM không xếp hạng chỉ số với những địa phương với trung bình trên 2000 dân mới có một tên miền quốc gia.

Mức độ tham gia các sàn thương mại điện tử và nền tảng công nghệ hỗ trợ bán hàng đa kênh là những thông tin quan trọng khi tính điểm cho các chỉ số. Do mối tương quan chặt chẽ giữa số doanh nghiệp và thu nhập trung bình của người dân ở mỗi địa phương tới thương mại điện tử nên những thông tin này được xem xét khi tính toán các chỉ số.

Sự thay đổi phương pháp tính toán và xếp hạng từ năm 2020 với mục tiêu phản ánh chân thực hơn hiện trạng cũng như tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử giữa các địa phương. Các chỉ số thành phần được bổ sung từ nhiều nguồn số liệu uy tín có tính chất định lượng và chính xác./.


Ngọc Thạch – Phòng QLTM

Lượt xem: 1627

Thống kê truy cập

Đang truy cập:446

Tổng truy cập: 18532283