Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2019

2019-05-06 15:03:00.0

Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phân công Sở Công thương tuyên truyền, nâng cao nhận thức về “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong Tháng hành động vì ATTP năm 2019.

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Thực hiện Kế hoạch số 11/KH-BCĐ.ATTP ngày 27/3/2019 của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương về triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019.

Bình Dương triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2019

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm còn là điểm nhấn trong năm, tạo đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn; gắn trách nhiệm của UBND các cấp trong việc tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; phát huy ý thức, trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các cấp, các ngành, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các quy định về an toàn thực phẩm cho các đối tượng người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh cũng như nâng cao nhận thức của người dân về lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, tại một số địa phương trong tỉnh, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn xảy ra, như: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; tình trạng nhập lậu thực phẩm vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều hạn chế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phấm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn còn chiếm tỷ lệ cao; công nghệ chế biến thực phẩm còn lạc hậu; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức...Các vấn đề trên đang là những nguy cơ tiềm ẩn của ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Nguyên nhân chính của những tồn tại nói trên là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao, do chạy theo lợi nhuận, cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.

Chính vì vậy để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phân công Sở Công thương tuyên truyền, nâng cao nhận thức về “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong Tháng hành động vì ATTP năm 2019.

Để hạn chế những nguy cơ gây ngộ độc và bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, trước hết, các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm như: Cách sản xuất, kinh doanh thực phấm an toàn; các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phấm trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Đối với các cá nhân và tổ chức trực tiếp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng, hãy: Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục; không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm; không sử dụng cồn công nghiệp để pha và sản xuất rượu... Đồng thời, phải nhận thức rõ việc đảm bảo an toàn thực phẩm vừa là văn hóa kinh doanh, vừa là lương tâm, trách nhiệm đối với xã hội.

Mỗi người tiêu dùng hãy nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm bằng cách: Khiếu nại và khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, kiên quyết tẩy chay thực phẩm không an toàn. 


Lượt xem: 245

Thống kê truy cập

Đang truy cập:535

Tổng truy cập: 18718639