Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

2023-12-09 08:19:00.0

Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thực hiện Chương trình số 111-CTr/TU ngày 17/3/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ngày 17/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6011/KH-UBND thực hiện Chương trình số 111-CTr/TU ngày 17/3/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 bao gồm: Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao, đóng góp tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế (GRDP) của tỉnh; Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; Tập trung phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Được chia làm 3 giai đoạn về phát triển kinh tế như sau:

* Giai đoạn 2021-2025: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5%-8,7%/năm; với tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp đến năm 2025 tương ứng là 62,3% - 28% - 2,5% - 7,2%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 20%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân trên 8,7%/năm; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 14–15%/năm; Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 9-10%/năm; Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 9-10%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 85%; tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện đạt 100%; thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đạt 9 tỷ đô la Mỹ

* Giai đoạn 2026-2030: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 9-10%/năm; cơ cấu kinh tế (GRDP) của tỉnh với tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp đến năm 2030 tương ứng là 62% - 30% - 1% - 7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30-35%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân trên 8,5%/năm; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 16%/năm; Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 7-8%/năm; Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 5-6%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 90%; Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện đạt 100%. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích các khu, cụm công nghiệp tăng từ 30% trở lên; thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2026-2030 đạt 12 tỷ đô la Mỹ.

* Tầm nhìn đến năm 2045: Bình Dương trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước, trên cơ sở 3 yếu tố chính là phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và tăng trưởng xanh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Tỉnh đã đề ra 07 giải pháp triển khai kế hoạch thực hiện như sau:

- Giải pháp 1: Ðổi mới tư duy, nhận thức, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Giải pháp 2: Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- Giải pháp 3: Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Giải pháp 4: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Giải pháp 5: Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Giải pháp 6: Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

- Giải pháp 7: Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

(nguồn Kế hoạch số 6011/KH-UBND ngày 17/11/2023 tải tại đây)


Đại Dương – P.QLCN

Lượt xem: 2468

Thống kê truy cập

Đang truy cập:530

Tổng truy cập: 18395455