Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương nằm trong top 5 tỉnh thành xếp đầu bảng cả nước về chỉ số thương mại điện tử 2019

2019-04-24 23:00:00.0

Năm 2019, Bình Dương tiếp tục đứng vị trí thứ 5 trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 với với điểm tổng hợp là 54 điểm, tăng 3,6 điểm phần trăm so với năm 2018. Điểm số này cao hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của Chỉ số Thương mại điện tử (EBI)  cả nước 40,3 điểm.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 vừa được chính thức công bố trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 diễn ra ở Hà Nội

Trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2019, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo Chỉ số TMĐT 2019. Theo VECOM, năm 2018, TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Tuy nhiên, sự chênh lệch chỉ số giữa các địa phương còn rất cao. Cụ thể, chỉ số TMĐT của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với điểm tổng hợp là 86,8 điểm, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2018. Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp là 84,3 điểm, Hải Phòng giữ vị trí thứ 3, vị trí tiếp sau vẫn là Đà Nẵng và Bình Dương.Nhìn chung top 5 tỉnh thành đầu bảng vẫn không có sự thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (29 điểm) với điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất (68,4 điểm) lên tới 39,4 điểm (năm 2018 là 36,7 điểm, năm 2017 là 36 điểm, năm 2015 là 30,5 điểm, năm 2014 là 20,3 điểm, và năm 2013 chỉ là 18 điểm). Đồng nghĩa, sự chênh lệch về phát triển TMĐT giữa các địa phương đang tăng dần.Như vậy, thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương tiếp tục là thử thách lớn đối với TMĐT Việt Nam hiện nay.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương có chỉ số TMĐT thấp. Hiện Cục đã tập trung xây dựng các kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ các địa phương như: Đào tạo nâng lực quản lý nhà nước về TMĐT, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT... để giúp các địa phương nâng cao thứ hạng của mình trong tương lai.Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thuộc của Chương trình phát triển TMĐT quốc gia cũng tiếp tục tập trung thực hiện như: Nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến; xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến; xây dựng giải pháp đào tạo trực tuyến về TMĐT; nghiên cứu giải pháp thẻ thanh toán… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Cũng theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, muốn thương mại điện tử Việt Nam phát triển vững chắc trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần có môi trường và hệ sinh thái thuận lợi, bao gồm hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tiên tiến, giúp đa số người dân tiếp cận dễ dàng tới Internet qua thiết bị di động.Bên cạnh đó đối với dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng, hoạt động khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến có cơ hội tiếp cận dễ dàng tới các dịch vụ công cũng như khả năng huy động vốn linh hoạt…

Báo cáo chỉ số thương mại điện tử do VECOM xây dựng từ năm 2012 là một công cụ định lượng hữu ích giúp xác định tình hình phát triển thương mại điện tử trên cả nước cũng như từng địa phương. Năm nay, chỉ số thương mại điện tử tiếp tục được xây dựng dựa trên 4 trụ cột là hạ tầng và nguồn nhân lực; giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng; giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; dịch vụ công trực tuyến. Các yếu tố liên quan đến tên miền Internet, thu nhập bình quân đầu người và số doanh nghiệp tại mỗi địa phương cũng được VECOM cân nhắc khi xây dựng chỉ số.


Lượt xem: 425

Thống kê truy cập

Đang truy cập:537

Tổng truy cập: 18709003