Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương chủ động và tích cực hội nhập trong giai đoạn mới

2016-05-31 13:42:00.0

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng với quốc tế, thời gian qua, Bình Dương đã triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), bước đầu mang lại nhiều kết quả khích lệ.

Riêng đối với tỉnh Bình Dương, trong năm 2015 mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững. Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cơ bản đạt được theo kế hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy, tỉnh đã chủ động trong công tác hoạch định chính sách, vận dụng sáng tạo, nhanh nhạy các chính sách của Chính phủ vào tình hình thực tế ở địa phương.

Riêng trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: đẩy mạnh cải cách hành chính tạo ra một môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh thông thoáng, đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư và kinh doanh; tăng cường chính sách và sự hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo lao động, về hỗ trợ khuyến công, hỗ trợ nông nghiệp, các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại,… và đặc biệt là công tác đào tạo và tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp kiến thực về hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức một cách rõ ràng hơn về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời cũng nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, rủi ro và dự báo được xu hướng phát triển của thị trường, từ đó có xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, hạn chế các rủi ro trong thời gian tới. 

Một số kết quả đạt được trong năm 2015:

- Công tác học tập, tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế đã được các Sở, Ban, Ngành trên địa bàn tỉnh triển khai đến các cấp, các ngành và địa phương, trong đó tập trung tuyên truyền các luật, các quy định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; các quy định liên quan đến các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã tham gia và đang trong quá trình đàm phán với các chủ đề như: “Cộng đồng kinh tế ASEAN – Cơ hội và Thách thức cho Việt Nam”, “Xây dựng và Phát triển hệ thống Thương mại điện tử”, “Chiến lược Kinh doanh trong Thương mại điện tử”, “Marketing trong Thương mại điện tử”, ... ; phối hợp với Đài Truyền thanh và Báo Bình Dương cung cấp thông tin pháp luật và trả lời câu hỏi của bạn đọc hàng tuần trong chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”,

- Về Thương mại:

Mặc dù kinh tế chung của các nước còn nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên trong năm 2015, kinh tế tỉnh Bình Dương vẫn tăng trưởng khả quan. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội trong tỉnh (GDP) tăng 13,2%; GDP bình quân đầu người đạt 73,1 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỉ trọng tương ứng là 60% - 37,3% -2,7%. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 10,3%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 217.211 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2014.

Riêng hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển ổn định và đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh. Các doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2015, tỉnh Bình Dương tiếp tục xuất siêu trên 3 tỷ 700 triệu đô la Mỹ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20 tỷ 976 triệu đô la Mỹ và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17 tỷ 273 triệu đô la Mỹ. Các mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của tỉnh là giày dép, hàng dệt may, sản phẩm bằng gỗ, sản phẩm điện tử, sắt thép... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu may mặc, giày da, gỗ và các nguyên vật liệu khác. Các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, ASEAN vẫn được giữ vững và liên tục tăng trưởng qua các năm. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực, ngày càng nhiều các đối tác từ các thị trường mới như Liên bang Nga, Úc và Trung Đông đã bắt đầu đặt quan hệ giao thương với doanh nghiệp trong tỉnh.

Đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 217.211 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2014

- Về Đầu tư:

Với những chính sách tạo thuận lợi trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, năm 2015, toàn Tỉnh đã thu hút được 3 tỷ 287 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 216 dự án với tổng vốn đầu tư 2 tỷ 359 triệu đô la Mỹ và điều chỉnh tăng vốn cho 145 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 928 triệu đô la Mỹ.

Lũy kế đến 31/12/2015, Bình Dương có 2.587 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23.649 triệu đô la Mỹ. Trong đó đầu tư vào các khu công nghiệp là 1.536 dự án với tổng vốn đầu tư là 15.347 triệu đô la Mỹ, chiếm 65% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn Tỉnh. Tỷ lệ lấp đầy của các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 65%.

Từ những kết quả đó, Bình Dương trở thành một trong năm địa phương của cả nước thu hút vốn FDI vượt mốc 20 tỷ đô la Mỹ và chiếm vị trí thứ tư cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài sau Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội.

- Về Du lịch:

Trong năm 2015, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt khoảng 3,8 triệu lượt người, doanh thu du lịch đạt 900 tỷ. Toàn tỉnh đã đầu tư, phát triển thêm 37 khách sạn, nhà nghỉ và 09 đơn vị kinh doanh lữ hành; Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tham quan được chú trọng với nhiều điểm tham quan thu hút khách du lịch như: Caravan tour “Dạo phố Thủ về đêm”...; tổ chức thành công Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín 2015”, Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam, Khu du lịch Mắt Xanh,… . Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đưa vào khai thác chính thức Trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến du lịch tại địa chỉ: www.dulichbinhduong.org.vn, đồng thời thực hiện 12 phóng sự, phim ngắn về di sản văn hóa, làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Dương.

- Đào tạo nguồn nhân lực: 

Tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015”, trong đó, đã xây dựng và triển khai thực hiện 10 đề án đảm bảo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Cùng với các đề án, Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Đội ngũ cán bộ, viên chức phần lớn đều nhiệt tình, tận tụy với công việc; luôn có ý thức học tập nâng cao trình độ. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 69,64%, trong đó 5,16% có trình độ đại học. Công chức cấp xã có trình độ trung cấp trở lên đạt 95%, trong đó 57,56% có trình độ đại học. Tỷ lệ bác sĩ/ 1 vạn dân đạt 6,8% bác sĩ; tỷ lệ giáo viên các ấp học trên chuẩn tăng cao, vượt mức tiêu chuẩn đề ra, lần lượt ở các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 50,49%, 85,37% và 99,01%.

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) - một trong những KCN thu hút các DN nước ngoài đến đầu tư cao nhất của tỉnh Bình Dương

- Về Cơ sở hạ tầng:

Cơ sở hạ tầng luôn là một chỉ tiêu mà tỉnh Bình Dương dẫn đầu trong những năm vừa qua. Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông của tỉnh đã thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội. Trong năm 2015, tỉnh Bình Dương đã khánh thành một số công trình quan trọng có ảnh hưởng lớn, tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: đường Phạm Ngọc Thạch, đường ĐT 744, đường Mỹ Phước – Tân Vạn (giai đoạn 1),... Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đã hình thành 03 trung tâm logistics đáp ứng đủ tiêu chuẩn trung tâm logistics hạng 1 cấp quốc gia và quốc tế có vị trí giao thông thuận lợi, có sở hạ tầng hoàn chỉnh, trang thiết bị xếp dỡ hiện đại và cung cấp dịch vụ ICD và các dịch vụ logistics khác.

- Về Thể chế:

Cải cách thể chế được xem là một trong những bước tiến mạnh mẽ nhất trong quá trình phát triển hội nhập quốc tế của Tỉnh. Trong đó, đặc biệt nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý chất lượng và hoạt động hành chính công như: đưa vào vận hành phần mềm quản lý văn bản điện tử; phần mềm tiếp nhận và trả hồ sơ điện tử, ra mắt Trang Thông tin điện tử dịch vụ hành chính công, phần mềm khai thuế, hải quan điện tử,… Đến nay, toàn bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện được cung cấp ở mức độ 2. Có 20 nhóm dịch vụ công thuộc các ngành như: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, BQL các KCN, BQL VSIP, Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Thuận An được thực hiện ở cấp độ 3.

Nhiều giải pháp đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Phát huy các thành quả đạt được trong năm 2015 và mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện các Đề án và Chương trình hành động nhằm nâng cao năng lực HNKTQT năm 2016 và những năm tiếp theo. Trong đó vẫn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: thương mại; đầu tư; cơ sở hạ tầng; du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo và tuyên truyền kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế,… 

- Đối với công tác đào tạo, tuyên truyền tập trung phổ biến các thông tin mới, giải đáp cá thắc mắc liên quan đến các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực như FTA Việt Nam – EU, TPP,… cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Về thương mại: Phấn đầu đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,2% so với năm 2015; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng là 63,2% – 23,3% – 4,3% - 9,2. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu tăng 16,5%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến tăng 16% so với năm 2015; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20%. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hoá, tiếp tục duy trì thế mạnh xuất siêu của Tỉnh; định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý...

- Về Đầu tư: Tiếp tục triển khai các quy hoạch, bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tư do khác có hiệu lực theo đúng quy hoạch được sự chấp thuận của Thủ tướng tại văn bản số 173/TTg-KTN tháng 3 năm 2016, theo hướng mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu, nhanh chóng xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp mới để đưa vào hoạt động. 

- Công tác đối ngoại: Củng cố và phát triển các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, các Cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho yêu cầu công tác đối ngoại của tỉnh. Đồng thời, triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa hiệu quả và thiết thực, góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch, văn hóa, giáo dục của tỉnh Bình Dương đến bạn bè quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác hữu nghị đã được ký kết; đồng thời xúc tiến thiết lập quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Bình Dương với thành phố Oryol (Liên bang Nga), thành phố Emmen (Hà Lan), thành phố Daegu (Hàn Quốc) và thành phố Porland (Hoa Kỳ) nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư qua các kênh giao lưu đa phương.

Ngoài ra, các Sở, ban, ngành trong Tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm cải thiện 8 chỉ số về hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao chỉ số năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Bình Dương trong năm 2016 và những năm tiếp theo./.


Lượt xem: 277

Thống kê truy cập

Đang truy cập:478

Tổng truy cập: 18542307