Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Báo cáo thị trường gạo tháng 10/2013

2013-11-15 17:24:00.0

Tháng 10 thị trường lúa gạo thế giới diễn biến trái chiều, giá tăng khá mạnh ở Việt Nam nhưng tiếp tục giảm ở các nước xuất khẩu chủ chốt khác của châu Á. Nguồn cung tiếp tục dồi dào, nhất là sau khi Việt Nam vừa thu hoạch xong, Thái Lan bước vào vụ thu hoạch chính...

I. TÓM TẮT

Tháng 10 thị trường lúa gạo thế giới diễn biến trái chiều, giá tăng khá mạnh ở Việt Nam nhưng tiếp tục giảm ở các nước xuất khẩu chủ chốt khác của châu Á. Nguồn cung tiếp tục dồi dào, nhất là sau khi Việt Nam vừa thu hoạch xong, Thái Lan bước vào vụ thu hoạch chính... Trong khi đó nhu cầu nhìn chung vẫn yếu, mặc dù xuất hiện nhu cầu từ Philippine và Trung Quốc. Triển vọng giá gạo nhìn chung sẽ tiếp tục giảm trong tháng 11, song nhu cầu có thể sẽ tăng bởi giá giảm thấp hấp dẫn người mua. Tuy nhiên, việc giá gạo Việt Nam tăng lên ngang với các xuất xứ khác sẽ gây khó khăn cho sức cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường thế giới. 

II. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

Thị trường lúa gạo châu Á tháng 10/2013 diễn biến trái chiều, giá đảo chiều tăng ở Việt Nam nhưng tiếp tục giảm ở Thái Lan và các nước châu Á khác. Kết quả là chênh lệch giá giữa gạo Thái lan và Việt Nam giảm mạnh về chỉ còn khoảng 5-10 USD/tấn.

Bảng 1: Đồ thị giá gạo châu Á (USD/tấn)


 
Trên thị trường Việt Nam, vụ thu hoạch lúa hè thu đã kết thúc song nguồn cung vẫn nhiều bởi lượng xuất khẩu trong thời gian qua rất thấp. Giá đã tăng khá mạnh trở lại ngay từ đầu tháng 10 do xuất khẩu mạnh qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, cộng với một hợp đồng bán 120.000 tấn cho Philippine ký được vào giữa tháng. ĐBSCL đang trong mùa lũ, việc vận chuyển khó khăn cũng góp phần đẩy giá tăng. 

Gạo Việt Nam giá tăng khoảng 30 USD/tấn(gần 10%) so với một tháng trước đó và về ngang với giá hồi đầu tháng 8, với 5% tấm xuất khẩu giá chào bán đạt 400-410 USD/tấn vào ngày 22/10, gạo 25% tấm đạt khoảng 370-380 USD/tấn. 

Tại ĐBSCL, giá lúa gạo nguyên liệu liên tiếp tăng trong vòng một tháng qua, tăng khoảng 450-500 đồng/kg.

Bảng 2: Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL (đồng/kg)
 

Loại lúa, gạo

Giá 21/10

Giá 21/9

Lúa khô tại kho loại thường

5.250 – 5.350

4.800-4.900

Lúa dài

5.400 – 5.500

5.000-5.100

Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm

7.050 – 7.150

6.600-6.700

Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm

6.850 – 6.950

6.350-6.450

Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn

7.850 – 7.950

7.400-7.500

Gạo 15% tấm

7.500 – 7.600

7.050-7.150

Gạo 25% tấm

7.300 – 7.4

6.700-6.800


Trên thị trường Thái lan, giá gạo tiếp tục xu hướng giảm, mất khoảng 15 USD/tấn trong vòng 4 tuần (21/9-21/10/2013) do bước vào vụ thu hoạch lúa mới. Mặc dù chính phủ Thái Lan tiếp tục can thiệp vào thị trường lúa gạo bằng việc mua trực tiếp lúa của nông dân với giá cao gần gấp đôi gia thị trường, song điểm khác biệt của chương trình lần này so với những lần trước là tổng khối lượng mua và trị giá mua của mỗi hộ gia đình bị giới hạn. Điều đó có nghĩa là gần một nửa sản lượng lúa vụ này sẽ không được chính phủ mua mà phải bán ra thị trường, tác động giảm giá. 

Tính đến 21/10/2013, gạo chào bán 5% tấm của Thái lan giảm về mức 410 USD/tấn, từ mức 425 USD/tấn một tháng trước đó,  mất khoảng 30 USD/tấn so với mức 858 USD/tấn hồi đầu năm, và hiện chỉ còn cao hơn khoảng 10 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam. 

Giá gạo xuấ khẩu của Ấn Độ và Pakistan đều giảm khoảng 15-20 USD/tấn (khoảng 5%) trong vòng một tháng qua. Gạo 5% tấm của Ấn Độ hiện ở mức 415 USD/tấn, so với 435 USD/tấn cuối tháng 9, trong khi gạo cùng loại của Pakistan giá hiện 380 USD/tấn, so với 395 USD/tấn cuối tháng 9. 

Tại Philippine, giá bán lẻ gạo xát kỹ trong tuần đầu tháng 10/2013 lên tới khoảng 39 peso/kg (khoảng 906 USD/tấn), tăng khoảng 10% so với một năm trước đó. Nguồn tin trong nước dự báo giá sẽ còn tăng hơn nữa trong những ngày tới do thiệt hại sản xuất và những vấn đề về nguồn cung sau cơn bão, cộng với động đất ở một số nơi tuần qua. 

III. SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI

1. Các nước xuất khẩu chủ chốt: Xuất khẩu gạo sụt giảm ở hầu như khắp các nước xuất khẩu chủ chốt như Việt Nam, Thái lan và cả Myanmar. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Campuchia vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. 

1.1. Việt Nam: Xuất khẩu gạo sụt giảm

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực (VFA), xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 15/10/2013 đạt 5,34 triệu tấn, kim ngạch 2,294 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân giai đoạn này khoảng 429 USD/tấn. 

Trung Quốc là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc đã nhập khẩu 1,62 triệu tấn gạo trong 9 tháng đầu năm, chiếm 31,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Với kết quả này, mục tiêu xuất khẩu 7-7,2 triệu tấn gạo năm 2013 có thể không đạt được trong bối cảnh cung vẫn tăng, giá gạo thế giới giảm mạnh.

1.3. Thái Lan: Xuất khẩu giảm mạnh, chính phủ tiếp tục can thiệp

Xuất khẩu gạo Thái lan giảm xuống 2,27 triệu tấn từ đầu năm đến nay, giảm 36% so với 3,56 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. 

Chính phủ Thái Lan đã quyết định kéo dài chương trình thu mua lúa can thiệp cho vụ 2013/14, nhưng sẽ không mua nhiều hơn 16,5 triệu tấn lúa, hay khoảng 50% tổng sản lượng hàng năm, và các điều kiện bổ sung trong chương trình thu mua lần này sẽ khiến cho một lượng lớn gạo được chuyển ra thị trường thay vì vào kho của chính phủ.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các nhà xuất khẩu Thái lan đang tăng cường ký hợp đồng với các nhà máy xay xát ở nước láng giềng Campuchia để tìm kiếm gạo giá rẻ dành cho xuất khẩu. Do Campuchia không can thiệp vào thị trường gạo nên giá gạo của họ cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Thái Lan trên thị trường quốc tế. 

Về phía chính phủ, cũng nhằm tăng xuất khẩu, giảm lượng gạo tồn kho trong nước, Thái Lan đã đề xuất với Trung Quốc về việc cho phép Thái Lan xuất khẩu gạo sang nước này. Bù lại, Thái Lan sẽ giúp Trung Quốc phát triển hệ thống đường sắt hiện đại như của Thái Lan. 

1.4. Campuchia: Xuất khẩu tăng gấp đôi

Trong 9 tháng đầu năm nay Campuchia xuất khẩu 266.120 tấn gạo, tăng 106% so với 129.230 tấn cùng kỳ năm trước, và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa trong bối cảnh chính phủ nước láng giềng Thái lan tiếp tục bóp méo thị trường lúa gạo của mình, và châu Âu dành ưu đãi thuế cho gạo Campuchia. 

1.5. Myanmar: Xuất khẩu chậm lại

Xuất khẩu gạo của Myanmar trong nửa đầu tài khóa 2013-2014 (tháng 4/tháng 3) giảm khoảng một nửa, chỉ đạt 316.711 triệu tấn, trị giá 129 triệu USD, so với 626.040 tấn trị giá 240 triệu USD cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do nhu cầu sụt giảm trên toàn thế giới, kể cả từ Trung Quốc – quốc gia đã trở thành một trong những khách hàng chính mua gạo của Myanmar. 

    Myanmar đang tích cực tìm kiếm đầu tư nước ngoài trong ngành lúa gạo để giúp nước này lấy lại vị thế là nước xuất khẩu gạo hàng đầu. Hiện nay, sản lượng lúa gạo tại Myanmar thấp hơn tiềm năng một phần do biến động giá và nông dân thiếu vốn. Đồng bằng Irrawaddy của Myanmar lớn hơn so với ĐBSCL của Việt Nam và đầu tư nước ngoài trong khu vực này có thể đẩy mạnh đáng kể sản lượng và xuất khẩu gạo của Myanmar.

2. Các nước nhập khẩu chủ chốt: Indonesia và Malaysia vẫn vắng bóng trên thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, Philippine đang trở lại thị trường sau trận bão lụt lịch sử ảnh hưởng lớn tới sản lượng lúa gạo nội địa. Trung Quốc mặc dù vẫn chưa chính thức nhập khẩu nhiều nhưng đang ồ ạt nhập qua con đường tiểu ngạch. 

2.1 Philippine: Có thể không đạt tự cung do bão và động đất

Philippine có thể không đạt mục tiêu tự cung tự cấp gạo trong năm 2013 do cơn bão Santi hôm 11/10 vừa qua tàn phá nhiều cánh đồng lúa, trong bối cảnh nhu cầu gia tăng đẩy giá gạo tăng lên. Theo ước tính ban đầu của chính phủ nước này, khoảng 248.000 ha lúa đã bị thiệt hại, ước tính mất khoảng 133.000 tấn thóc (khoảng 90.000 tấn gạo). 

2.2. Indonesia: Khẳng định không cần nhập gạo trong những năm tới

 Thứ trưởng Nông nghiệp Indonesia mới đây cho biết, nước này dự kiến sẽ duy trì tự cung tự cấp lúa gạo trong những tháng còn lại của năm nay và những năm tới, nhờ sản lượng tăng và lượng dự trữ của chính phủ cũng tăng. 

2.3. Trung Quốc: Thị trường gạo vẫn nóng

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu mua lúa vụ indica (tháng 7-11/2013) ở mức giá tối thiểu là 2.700 nhân dân tệ/tấn (khoảng 440 USD theo tỷ giá hiện hành), tăng khoảng 8% so với 2.500 nhân dân tệ/tấn (khoảng 392 USD theo tỷ giá lịch sử) trong năm 2012-2013.
Tuy nhiên, bất chấp việc tăng giá hỗ trợ, sự phụ thuộc của Trung Quốc nhập khẩu gạo dự kiến vẫn đạt khoảng 3,4 triệu tấn trong năm 2013-2014, khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. 
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ các kế hoạch của các công ty trong nước về việc nhập khẩu 1 triệu tấn gạo Thái lan trong 5 năm tới. 
Bảng 3: Biểu đồ sản lượng, tiêu thụ, nhập khẩu gạo Trung Quốc (2002-2013)
 
2.4. Cameroon có tiềm năng lớn về sản xuất lúa gạo

Cameroon hiện đang nhập khẩu khoảng 87% tổng nhu cầu gạo trong nước, nhưng quốc gia châu Phi này có thể không chỉ đạt tự cung tự cấp lúa gạo trong những năm tới, mà còn trở thành vựa lúa của Trung Phi nhờ tiềm năng lớn và các chương trình sản xuất lúa gạo. 

Trong chiến lược phát triển lúa gạo quốc gia năm 2009, chính phủ Cameroon đặt mục tiêu sản xuất được 627.250 tấn gạo vào năm 2018 với năng suất trung bình khoảng 2,73 tấn/ha. Cameroon có lợi thế nhiều đất nông nghiệp, nguồn nước dồi dào và điều kiện khí hậu thuận lợi cho canh tác lúa. Hơn nữa, việc trồng lúa gạo đang ngày càng phổ biến ở Cameroon.

IV. DỰ BÁO 

Về giá cả: Giá sẽ tiếp tục giảm trong tháng tới

Giá gạo Thái Lan đang giảm mạnh, về sát với mặt bằng giá chung, nên khả năng giá gạo thế giới tiếp tục giảm trong những tháng tới là rất lớn, trong  bối cảnh cung cao cầu thấp. 

Dự báo giá gạo Thái sẽ tiếp tục giảm tới cuối tháng 11, và từ nay tới đó giá gạo Thái sẽ còn giảm thêm khoảng 20 USD xuống khoảng 380-400 USD/tấn. 

Về sản lượng: Năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012

Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng gạo thế giới năm 2013 xuống 496,3 triệu tấn (quy xay xát), giảm khoảng 1 triệu tấn so với dự báo trước đây, nhưng tăng khoảng 1% so với khoảng 490,9 triệu tấn năm 2012. 

Fao cho biết việc điều chỉnh giảm chủ yếu do dự báo sản lượng của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 2,9 triệu tấn do thời tiết năm nay bất lợi. Dự báo về sản lượng của Pakistan và Panama cũng giảm. 

Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc cũng dự báo sản lượng gạo nước này năm nay sẽ giảm 0,7% xuống 202,8 triệu tấn, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2003, do năng suất giảm, và một phần diện tích lúa được chuyển sang ngô và lúa mì. Năng suất năm nay chắc chắn sẽ giảm khoảng 1,7% xuống 6,7 triệu tấn. Nước này cũng đang chịu áp lực bởi ngày càng nhiều diện tích đất nông nghiệp bị chuyển sang các mục đích công nghiệp, và người dân có xu hướng rời bỏ nông thôn đi ra thành thị. 

Về xuất khẩu: Ấn Độ sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới 

Trong báo cáo tháng 9/2013, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhận định Ấn Độ sẽ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới năm thứ 3 liên tiếp do nguồn cung dồi dào và nhu cầu từ Iran tiếp tục ổn định. 

Xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2013 dự báo đạt khoảng 9,7 triệu tấn, nhưng USDA đã điều chỉnh tăng khoảng 3% hay 300.000 tấn lên khoảng 10 triệu tấn dự theo tính toán về khối lượng bán mạnh sang Iran. 

USDA đã điều chỉnh giảm dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam 2013 xuống 7,2 triệu tấn, và nhận định Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Myanmar tại 2 thị trường lớn là Trung Quốc và châu Phi trong năm nay.

Về nhập khẩu: Có triển vọng nhu cầu tăng trong quý 4

Liên tiếp mấy cơn bão lớn xảy ra ở Philippine và Trung Quốc cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua ảnh hưởng lớn tới sản lượng gạo của hai nước này, có thể khiến nhập khẩu gạo gia tăng trong những tháng cuối năm, khi giá gạo thế giới xuống thấp. Châu Phi có thể cũng sẽ tăng nhập khẩu khi giá gạo giảm sâu. 

Tuy nhiên, Indonesia – một khách hàng truyền thống – có thể sẽ không nhập khẩu gạo do sản lượng đang tiến tới đủ nhu cầu. 

Dự báo năm 2013, Trung Quốc sẽ nước nhập khẩu gạo và lúa mì lớn nhất thế giới trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh trở lại. Nhập khẩu gạo vào Trung Quốc năm 2012 đã tăng gấp 4 lần so với năm trước đó, lên 2,4 triệu tấn. Trong 9 tháng đầu 2013, họ đã nhập khẩu tới 3,2 triệu tấn, vượt cả Nigeria để trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2014 nước này sẽ nhập khẩu kỷ lục mới 3,4 triệu tấn. 

V. CẢNH BÁO

Vấn đề nổi cộm trong tháng 10 là việc xuất khẩu sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch gia tăng đột biến, làm thay đổi mặt bằng giá trong nước và xuất khẩu. 

Theo VFA, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã nhập 1,2 triệu tấn gạo Việt qua đường biên mậu, gần bằng với con số nhập khẩu chính ngạch. Gạo loại này được chuyển từ ĐBSCL ra tập kết ở cảng Hải Phòng trước khi được xuất sang Trung Quốc. Một số thông tin cho biết lần này khách hàng Trung Quốc khi nhận hàng không hề xét nét về chất lượng và độ ẩm sản phẩm như thông lệ. 

Có những nghịch lý trong việc nhập khẩu gạo vào Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đang tạm ngừng cấp hạn ngạch nhập chính ngạch mới thì lượng nhập tiểu ngạch lại gia tăng đột biến. Điều này kết hợp với thông tin chính phủ Trung Quốc tăng 8% giá thu mua lúa tối thiểu trong vụ này, và dự báo của Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc rằng sản lượng và năng suất lúa năm nay đảo chiều giảm nhẹ lần đầu tiên trong vòng 10 năm, cho thấy thị trường lúa gạo Trung Quốc hiện vẫn đang mất cân đối. Các tỉnh phía nam Trung Quốc có khả năng vẫn đang thiếu gạo. Tuy nhiên, với việc đóng cửa chính, mở cửa phụ, có thể khách hàng Trung Quốc đang cố tình đẩy giá gạo Việt Nam lên cao, hút gạo tập kết về các cửa khẩu và có thể ngừng nhập biên mậu bất cứ lúc nào. Điều đó nếu xảy ra sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới ngành lúa gạo. Gạo không phải là mặt hàng dễ thối hỏng như trái cây, song việc vận chuyển từ cực Nam ra cực Bắc cũng rất tốn kém. Trầm trọng hơn, việc giá gạo Việt Nam tăng lên ngang với các xuất xứ khác không  chỉ ảnh hưởng tới mặt bằng giá trong nước mà còn đang làm mất cơ hội cạnh tranh của gạo Việt, trong bối cảnh những nhà nhập khẩu đang chờ thời điểm giá giảm để mua vào, hoàn tất kế hoạch nhập khẩu cho năm 2013 và đầu 2014. Và sâu xa hơn, xuất khẩu tiểu ngạch có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.


Lượt xem: 948

Thống kê truy cập

Đang truy cập:325

Tổng truy cập: 18434796