Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Algeria sẽ tạm ngừng nhập khẩu 851 mặt hàng kể từ tháng 1/2018

2018-04-02 08:53:00.0

Bộ Thương mại Algeria vừa đưa ra danh sách 851 sản phẩm tạm ngừng nhập khẩu kể từ tháng 1/2018 nhằm giảm thâm hụt thương mại và thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm trong nước.

Điểm số tự do kinh tế của Algeria là 44,7, nền kinh tế đứng hạng 172 trong Chỉ số kinh tế thế giới năm 2018. Điểm tổng thể đã giảm 1,8 điểm do giảm đáng kể  từ quyền sở hữu tài sản và tự do đầu tư mà không được bù đắp bởi sự cải thiện khiêm tốn hơn về tự do kinh doanh, hiệu quả của luật pháp và tự do tiền tệ. Algeria được xếp hạng cuối cùng trong số 14 quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, và điểm số chung thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực và thế giới.

Trong những năm gần đây, chính phủ đã có những tiến bộ nhỏ trong việc cải thiện quản trị tài chính, đã ngừng tiến hành tư nhân hóa các ngành công nghiệp nhà nước và hạn chế nhập khẩu và sự tham gia của nước ngoài vào nền kinh tế. Những chính sách này và các điểm yếu về thể chế khác kết hợp với sự không chắc chắn chính trị đang tiếp tục làm giảm triển vọng phát triển kinh tế lâu dài.

Vào năm 2016, chính phủ đã thực hiện những thay đổi lớn về hiến pháp để củng cố quản trị và tăng cường phân quyền. Algeria là nước xuất khẩu khí lớn thứ sáu thế giới. Dầu mỏ và khí thiên nhiên chiếm gần 95% tổng thu nhập xuất khẩu và hơn 30% GDP. Giá dầu giảm đã buộc chính phủ phải giảm chi tiêu.

Các quyền lợi được bảo đảm về tài sản thường có hiệu lực thi hành, nhưng hầu hết bất động sản đều nằm trong tay của chính phủ, và những tuyên bố về quyền sở hữu trái nghịch khiến các giao dịch bất động sản trở nên khó khăn. Hệ thống tư pháp nói chung là yếu, chậm, và không rõ ràng. Ngành công nghiệp và khu vực công cộng của Algeria, đặc biệt là ngành năng lượng của Algeria, có mức độ tham nhũng cao. Ước tính một nửa số giao dịch kinh tế diễn ra trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Thuế suất thuế thu nhập cao nhất là 35%, và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất là 23%. Các loại thuế lớn khác bao gồm thuế giá trị gia tăng. Tổng gánh nặng thuế bằng 29,1% tổng thu nhập trong nước. Trong ba năm qua, chi tiêu của chính phủ đã chiếm 42,5% tổng sản lượng (GDP), và thâm hụt ngân sách trung bình chiếm 11,4% GDP. Nợ công tương đương 20,4% GDP.

Bất chấp sự cải thiện chút ít về môi trường kinh doanh, những trở ngại quan trọng về hành chính và phát triển kinh tế vẫn còn tồn tại. Thị trường lao động vẫn còn cứng nhắc và thiếu lao động có kỹ năng lâu dài. Chính phủ đã bắt đầu cải cách trợ cấp vào năm 2016 bằng cách tăng giá nhiên liệu, khí tự nhiên và điện, nhưng trợ cấp vẫn chiếm hơn 12% GDP.

Thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế của Algeria; tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu bằng 58% GDP. Mức thuế áp dụng trung bình là 8,3%. Các chính sách của chính phủ như hạn chế mức sở hữu nước ngoài tiếp tục hạn chế đầu tư nước ngoài. Tín dụng khó tiếp cận và thị trường chứng khoán chưa phát triển, vốn hóa dưới 3% GDP.

Bộ Thương mại Algeria vừa đưa ra danh sách 851 sản phẩm tạm ngừng nhập khẩu kể từ tháng 1/2018 nhằm giảm thâm hụt thương mại và thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm trong nước.

Việc ngừng nhập khẩu này sẽ giúp tiết kiệm được 1,5 tỷ USD. Chính phủ Algeria đặt mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ giảm tổng giá trị nhập khẩu xuống còn 30 tỷ USD. Hóa đơn nhập khẩu của Algeria đã giảm từ 46,7 tỷ USD năm 2016 xuống còn 45 tỷ USD năm 2017.

Trong số những mặt hàng tạm ngừng nhập khẩu có trái cây khô, pho mát thành phẩm, trái cây tươi (trừ chuối), rau tươi (trừ tỏi), thịt (trừ thịt bò), cá ngừ, các sản phẩm từ ngô, các sản phẩm từ thịt, kẹo cao su, kẹo và sôcôla, bột thực phẩm (như mì, miến), bánh kiểu thành Viên, các sản phẩm từ ngủ cốc, rau đóng hộp, cà chua chế biến hoặc đóng hộp, mứt, nước quả đông, thạch, trái cây đóng hộp, thức ăn, nguyên liệu làm canh, cháo và nước khoáng…

Ngoài ra, danh sách tạm ngừng nhập khẩu còn có những mặt hàng sử dụng trong nhà và vật liệu xây dựng như xi măng, chất tẩy, đồ nhựa thành phẩm và bán thành phẩm, sản phẩm vệ sinh, đá hoa cương, đá granit, giấy vệ sinh, thảm, sứ thành phẩm, thủy tinh, máy gặt đập, vòi nước (robinet), sợi cáp, đồ gỗ, đèn chùm, đồ điện gia dụng và điện thoại di động.

Chính phủ nước này lý giải rằng việc áp dụng biện pháp trên là do kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này quá lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ nội địa ở mức 30% đối với 10 nhóm hàng thành phẩm cũng như tăng thuế hải quan có thể lên tới 60% đối với 32 nhóm hàng thành phẩm khác.

Những biện pháp này sẽ cho phép không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm địa phương so với hàng nhập khẩu mà còn tăng thu ngân sách từ hoạt động nhập khẩu một số xa xỉ phẩm. Do đó, việc áp dụng biện pháp này chủ yếu nhằm cân bằng cán cân thanh toán bị thâm hụt 11,06 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017.

Dự kiến năm 2018 sẽ bãi bỏ hệ thống giấy phép nhập khẩu sau hai năm áp dụng đối với 21 sản phẩm vì không những cho thấy những hạn chế mà còn là một hệ thống quan liêu, thiếu minh bạch, chưa kể đôi khi tạo ra những vấn đề về cung ứng hàng hóa.Chỉ có xe du lịch hoặc xe bus mới tiếp tục bị chi phối bởi giấy phép nhập khẩu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến đầu tháng 12 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 264 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 47.350 tấn, kim ngạch 103,2 triệu USD, giảm 20% về lượng và 1% về giá trị; điện thoại di động chỉ đạt 62 triệu USD, giảm 14%; xuất khẩu gạo đạt 39.926 tấn, kim ngạch 15,74 triệu USD, tăng 59% về lượng và tăng 63% về giá trị. Về nhập khẩu, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 6 triệu USD.

Kể từ khi Chính phủ Algeria siết chặt các biện pháp nhập khẩu như ban hành giấy phép đối với 21 mặt hàng kể từ tháng 6/2017 (trong đó có điện thoại di động), cấm nhập khẩu đối với gạch men các loại và gỗ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này bắt đầu giảm sút.

Riêng 3 tháng 8, 9 và 10, Việt Nam không xuất được điện thoại di động và linh kiện sang Algeria. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang Algeria trong tháng 11/2017 chỉ đạt 12,63 triệu USD, giảm rất mạnh so với 38,8 triệu USD vào tháng 5/2017 và 36,5 triệu USD vào tháng 6/2017.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến cáo, với chính sách thương mại mới của Algeria sẽ áp dụng từ năm 2018, dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ tiếp tục gặp khó khăn không chỉ đối với điện thoại mà còn liên quan đến những mặt hàng khác như bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng rau quả, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm sắt thép, gốm sứ, đá xây dựng.

 


Lượt xem: 189

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1112

Tổng truy cập: 18466134