Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

6 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng 6,76%

2019-08-02 08:51:00.0

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. GDP 6 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2019 sẽ ở mức 6,6% và ở mức 6,5% cho các năm 2020-2021. Mức dự báo tăng trưởng GDP 6,6% trong năm nay dù có chững lại một chút nhưng vẫn là tốc độ rất tích cực, nhất là trong bối cảnh môi trường bên ngoài có nhiều bất định, tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là tăng trưởng thương mại toàn cầu dự báo sẽ suy giảm mạnh.

Chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới mục tiêu đặt ra, với mức tăng 3,7% năm 2019 và 3,8% cho các năm 2020-2021. Bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm dần nhờ việc tiếp tục chính sách tài khóa thận trọng.

GDP quý 2 tăng 6,71% là mức tăng thấp nhất của 8 quý. Hai ngành chiếm tỷ cao nhất trong nền kinh tế là công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp tăng trưởng chậm lại là nguyên nhân chính khiến GDP giảm tốc.

GDP nông nghiệp quý 2 chỉ tăng 1,03%, thấp hơn nhiều quý 1 cũng như cùng kỳ 2018. Lý do khiến ngành nông nghiệp có tăng trưởng thấp bao gồm thời tiết và thị trường xuất khẩu không thuận lợi.

Trong khi đó, GDP thủy sản quý 2 tăng 7,03%, xấp xỉ mức tăng của quý 2/2018 là 7,05%. Tính chung 6 tháng, GDP Thủy sản tăng 6,45%, nhỉnh hơn 6 tháng 2018 là 6,41%. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng các số liệu khác cho thấy ngành Thủy sản khó có thể tăng trưởng bằng cùng kỳ.

Về công nghiệp chế biến chế tạo, nhóm ngành này đã có sự giảm tốc trong quý ngay cả khi nhóm điện tử có cải thiện.

Theo đó, GDP công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,9% trong quý 2, thấp hơn so với quý 1 là 11,5%. Công nghiệp điện tử có sự cải thiện nhất định nhưng sự giảm tốc của một số ngành công nghiệp vốn có tốc độ tăng trưởng cao như lọc hóa dầu, sản xuất xe có động cơ hay may mặc đã khiến GDP quý 2 tăng chậm lại.

Việc xe nhập khẩu tăng khiến ngành sản xuất xe trong nước chậm lại. Mặt khác, việc ngành may mặc tăng chậm cũng là vấn đề đáng lưu tâm khi bối cảnh hiện tại được cho là có lợi cho Việt Nam phát triển ngành.

Tuy nhiên, một số ngành vẫn giữ hoặc cải thiện phong độ như kim loại, thiết bị điện, nội thất, sản phẩm từ cao su & plastic. Nhờ vậy, tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp được kéo lại.

Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp (65%), tiếp đến là khai khoáng (19%) và sản xuất phân phối điện, khí đốt (14%). Dù tỷ trọng nhỏ nhưng nhờ có tăng trưởng dương của khai khoáng mà ngành công nghiệp nói chung đã không bị giảm theo đà giảm của công nghiệp chế biến chế tạo.

Hiện nay, hầu hết tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều gặp vấn đề. Tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức 2,6%, thấp nhất kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2018 đến nay. Mức tăng trưởng này đều trên 5% trong suốt 2 năm qua. Xuất khẩu của các nước cũng đang gặp khó do căng thẳng địa chính trị làm đứt gẫy các mạch đầu tư kinh tế. Giá xăng dầu trên thị trường thế giới thất thường.

WB khuyến nghị Việt Nam cần chuẩn bị linh hoạt và sẵn sàng các điều chỉnh chính sách vĩ mô để hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong trường hợp rủi ro gia tăng. Đồng thời, cần đẩy nhanh các cải cách cơ cấu nhằm khơi dậy niềm tin của các nhà đầu tư trong ngắn hạn cũng như tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đa phương

Đối với khu vực ngân hàng, cải cách cần tập trung vào đẩy nhanh xử lý nợ xấu và đảm bảo đủ gối đệm vốn để giảm thiểu rủi ro hệ thống và nâng cao hiệu quả cho các tổ chức tín dụng. Công việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách khung khổ pháp lý và đổi mới cung cách quản lý cũng cần tiếp tục là những ưu tiên để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động đầu tư, thương mại và giảm chi phí kinh doanh.

Liên quan đến các FTA mới, đặc biệt là EVFTA, có một số cam kết không dễ để thực hiện nên rất cần tập trung vào khâu thực thi cam kết và nâng cao chất lượng triển khai. Trong đó, cần rà soát lại cũng như xây dựng, ban hành các cơ chế, yêu cầu, tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… để sẵn sàng triển khai tốt ngay khi hiệp định có hiệu lực.


Lượt xem: 909

Thống kê truy cập

Đang truy cập:480

Tổng truy cập: 18721438