Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

2013 - Năm thứ hai liên tiếp xuất siêu

2014-01-17 10:45:00.0

Năm 2013: Xuất khẩu tăng 15,4% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%); kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu; là năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu kể từ khi gia nhập WTO năm 2007. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2013. Trong bối cảnh như hiện nay xuất khẩu còn là lối ra của nền kinh tế.

Năm 2013: Xuất khẩu tăng 15,4% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%); kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu; là năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu kể từ khi gia nhập WTO năm 2007. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2013. Trong bối cảnh như hiện nay xuất khẩu còn là lối ra  của nền kinh tế.
 
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng

Tháng 12, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7 tỷ USD, tăng 16,3%, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 12 tháng năm 2013 kim ngạch XK đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, tương đương với 17,64 tỷ USD, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%). Mức tăng kim ngạch XK năm 2013 so với 2012 là 17,6 tỷ USD, hơn tổng kim ngạch năm 2002 (2002:16,7 USD).
 
Theo cơ cấu thành phần kinh tế trong kim ngạch XK, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 33%, ước đạt 43,75 tỷ USD, tăng 3,5%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 61,4% ước đạt 88,4 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm 2012, khẳng định vị thế quan trọng của Khối này trong quy mô, tốc độ tăng trưởng của XK Việt Nam.
 
Có 22 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, với những diễn biến mới. Năm 2010 mặt hàng đứng đầu dệt may là 11 tỷ USD, năm 2013 mặt hàng đứng đầu là điện thoại là 21,5 tỷ USD.
 
Trong TOP đầu diễn ra sự bám đuổi, đổi ngôi. Năm 2011, mặt hàng điện thoại mới đạt 6,8 tỷ USD, đứng thứ ba sau dệt may, dầu thô. Năm 2012, mặt hàng này vượt mặt dầu thô, đứng thứ hai sau dệt may. Năm 2013 nó đạt 21, 5 tỷ USD, bằng 3,1 lần kim ngạch của chính nó năm 2011, chiếm ngôi đầu của dệt may.
 
Hàng XK của Việt Nam đã có ở gần 200 nước. Hoa Kỳ vững vàng ngôi vị thị trường XK số 1 của Việt Nam. Năm 2011 là 16,9 tỷ USD. 2012 là 19,5 tỷ USD. Năm 2013: là 23,6 tỷ USD, Bình quân 1 tháng XK vào Hoa Kỳ năm 2013 hơn 1,9 tỷ USD/ tháng - suýt soát kim ngcạh năm 1989 (năm 1989: 1,946 tỷ USD), chứng tỏ Hiệp định song phương (BTA) Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát huy tác dụng.
 
Trong số các mặt hàng XK sang Hoa Kỳ, có 3 tên tuổi lớn là dệt may, giày dép, gỗ. Dệt may tiếp tục đứng đầu với trị giá cả năm 2013 đạt 8,5 tỷ USD, tăng 10,4% so năm 2012, chiếm đến 36% tổng Kim ngạch XK của Việt Nam vào thị trường này và chiếm gần 50% tổng kim ngạch XK hàng dệt may của cả nước.
 
Tiếp đến là EU, với hầu hết các thành viên XK của Việt Nam đều  tăng. Các thị trường Việt Nam XK được trên 10 tỷ USD còn có Nhật Bản, Trung Quốc.
 
Cấu trúc XK bám sát định hướng phát triển ngành hàng trong “Chiến lược XNK hàng hoá thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Nhóm Công nghiệp chế biến luôn. Năm 2013, tỷ trọng nhóm Công nghiệp chế biến là 70,4% - áp đảo trong tổng kim ngạch XK và là trụ cột của sự tăng trưởng. Nhóm nông lâm, thuỷ sản 15%. Nhóm nguyên liệu và khoáng sản 7,2%. Còn lại là Nhóm các mặt hàng khác.
 
Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 93 tỷ USD, chiếm 70,5% trong tổng KNXK, tăng 25,5% so với năm 2012. Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất, quy mô XK lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hoá XK của Việt Nam. Trong số 26 nhóm mặt hàng thuộc nhóm này, chỉ có 2 mặt hàng có KNXK giảm là: phân bón các loại và máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, các mặt hàng còn lại đều có KNXK tăng, điển hình có những mặt hàng có mức tăng trưởng cao là: điện thoại các loại và linh kiện (tăng 69,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 36,2%); hoá chất (tăng 32,4%).
 
Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã thay thế mặt hàng dệt may có kim ngạch XK lớn nhất (hơn 21,5 tỷ USD), tiếp đến là mặt hàng dệt may (hơn 17,8 tỷ USD), mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 3 (hơn 10,6 tỷ USD), mặt hàng giầy dép đứng ở vị trí thứ 4 với kim ngạch hơn 8,3 tỷ USD. So với năm 2012, tính chung XK của nhóm đóng góp vào tăng kim ngạch XK hơn 18,9 tỷ USD, riêng 4 mặt hàng này đã đóng góp hơn 15,5 tỷ USD.
 
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước 19,85 tỷ USD, chiếm 15% trong tổng kim ngạch XK, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2012. XK nhóm hàng này năm nay nhìn chung không được lợi cả về giá và về lượng. Trong số 7 mặt hàng tính được về giá và lượng thì có 4 mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm đó là: sắn và sản phẩm từ sắn giảm 26,8%, cà phê giảm 25,7%, gạo giảm 16,1%, chè giảm 5,2%; có 5 mặt hàng giá xuất khẩu giảm là: hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo và cao su.
 
XK thuỷ sản tiếp tục gặp khó khăn do rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu (NK) nên tăng thấp hơn mức tăng trưởng XK chung, tăng 10,6%. Trong nhóm này mặt hàng rau quả lần đầu tiên lọt vào nhóm các mặt hàng XK trên 1 tỷ USD, là tín hiệu tốt đó. Là mặt hàng thứ 7 bước vào nhóm hàng nông, thuỷ sản trên 1 tỷ USD, rau quả tăng nhanh, khá vững chắc trong ba năm gần đây với tốc độ tăng liên tục khoảng 30%/năm. Năm 2010 mặt hàng này mởi là 460 triệu USD. năm 2013 đạt trên 1.040 tỷ USD đây là một trong những tín hiệu tốt cho phát triển xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
 
Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 9,6 tỷ USD, chiếm 7,2% trong tổng KNXK, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong nhóm này, trừ mặt hàng quặng và khoáng sản khác lượng XK tăng do chủ trương cho phép XK để giảm tồn kho, các mặt hàng còn lại lượng XK đều giảm. Về giá XK giảm trên tất cả các mặt hàng. Tính chung các yếu tố trên cả Nhóm đã giảm 1,85 tỷ USD.
 
Nhóm các mặt hàng khác tuy tỷ trọng vẫn nhỏ nhưng có mức tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chung muốn báo rằng có vài mặt hàng chưa rõ danh tính nhưng đang có sức bật sẵn sàng bổ xung vào đội quân XK chủ lực. Hiện tượng Viamilk XK vào 26 thị trường, liên tục 5 năm (2008 - 2012)  tăng bình quân 62%/năm, 2013 đạt 230 triệu USD theo hợp đồng là một ví dụ.
 
Nhìn nhận chung về tác động của giá XK năm 2013, là hầu hết đều giảm. Nhóm hàng nông sản và nhóm khoáng sản do giá giảm đã làm cho KNXK giảm 1,28 tỷ USD. Tính chung giữa giảm giá và giảm lượng của 2 nhóm hàng hoá đã làm giảm 3,8 tỷ USD KNXK. Chỉ số giá XK hàng hoá năm 2013 giảm 2,41% cao hơn so với mức giảm 0,54% của năm 2012.
 
XK năm 2013 tăng trên tất cả các thị trường, trong đó thị trường Châu Mỹ tăng cao nhất, ước tăng 22,6%, tiếp đó đến thị trường Châu Âu ước tăng 19,4%, thị trường Châu Đại Dương ước tăng 15,2%, thị trường Châu Phi ước tăng 12,5% và thị trường Châu Á tăng 11,2%.
 
Thị trường Châu Á vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thị trường XK của Việt Nam, chiếm 51,2%, với kim ngạch XK ước đạt 67,7 tỷ USD, tuy nhiên về tốc độ tăng trưởng lại thấp nhất trong các khu vực thị trường. Trong đó, tăng thấp ở các nước thuộc nhóm Đông Nam Á (tăng 6,4%) và nhóm các nước Đông Á (tăng 6,6%). Nhóm các nước Tây Á tăng cao nhất, tăng 63,2% (Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất tăng gấp hơn 2 lần); nhóm các nước Trung Nam Á tăng 30,4%.
 
Thị trường Châu Âu ước đạt 27 tỷ USD, chiếm 20,4% trong cơ cấu thị trường XK, tăng 19,4%, trong đó: khối EU 27 ước đạt kim ngạch 24,4 tỷ USD, tăng 20,4%; khối các nước ngoài EU tăng thấp hơn, chỉ tăng 10,3%, nguyên nhân giảm ở thị trường Thuỵ Sỹ, Nauy..
 
Thị trường Châu Mỹ ước đạt 28 tỷ USD, chiếm 21,2% trong cơ cấu thị trường XK, tăng 22,6%, trong đó: Hoa Kỳ đạt kim ngạch 23,6 tỷ USD, tăng 20,3%, đây là thị trường XK lớn của Việt Nam, với mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường này. Thị trường Châu Phi ước đạt 2 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2012, trong đó tăng cao ở thị trường Nigiêria, Angiêri và Nam Phi. Thị trường Châu Đại Dương ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2012, tăng cao ở thị trường Niu Dilân tăng trên 51%.
 
Nhập khẩu tiếp tục được quản lý

Tháng 12, kim ngạch NK 11,5 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2012. Cả năm 2013, tổng kim ngạch NK đạt khoảng 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, tương đương với 17,5 tỷ USD. Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước ước đạt 56,8 tỷ USD, chiếm 43,3% tổng KNNK, tăng 5,6%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 74,4 tỷ USD, chiếm 56,7%, tăng 24,2% so với năm 2012.
 
Với việc tiếp tục sử dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế NK những mặt hàng tiêu dùng chưa cần thiết hoặc trong nước đã sản xuất được, cùng với việc sản xuất và tiêu thụ gặp khó khăn dẫn đến nhiều mặt hàng có khối lượng NK giảm so với năm 2012 như: linh kiện phụ tùng xe máy (giảm 24,4%), phôi thép (giảm 31,2%), phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 24,8%), xăng dầu các loại (giảm 22,1%)... Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng có lượng NK cao là hạt điều (tăng 83%), mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (tăng 63,9%), bông các loại (tăng 35,6%), máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng (34,9%)... chủ yếu nhập để phục vụ sản xuất trong nước và sản xuất hàng XK.
 
Giá NK hàng hoá giảm so với năm 2012, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá năm 2013 giảm 2,36% giảm hơn so với mức giảm 0,33% của năm 2012.
 
Nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 115 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 88%) và có tốc độ tăng cao nhất (tăng 15,3%) chủ yếu nhập khẩu để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
 
Nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu có mức tăng thấp hơn mức tăng trưởng NK chung cho thấy việc triển khai các biện pháp kiểm soát NK, hạn chế nhập siêu, đã đem lại hiệu quả tích cực.
 
NK từ thị trường Châu phi tăng cao nhất tăng 59,5%, chủ yếu tăng ở thị trường Bờ biển Ngà tăng 90,8%, Nam Phi tăng 40,8% và tiếp đến là thị trường Châu Á tăng 16,9% và vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất là 81,3% kim ngạch NK cả nước. Trong đó, chủ yếu nhập từ các nước Đông Á chiếm hơn 60,6%, từ ASEAN chiếm hơn 16,2%, riêng Trung Quốc chiếm hơn 28% tổng kim ngạch NK. Thị trường Châu Mỹ NK tăng 8,6%, chủ yếu tăng ở thị trường Achentina. Thị trường Châu Âu NK tăng 3,3%, trong đó tăng ở khối các nước EU 27.
 
Năm thứ hai liên tiếp xuất siêu

Tháng 12 xuất siêu 100 triệu USD, cả năm xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,65% tổng kim ngạch XK, tiếp nối mạch xuất siêu năm 2012 là 749 triệu USD. Tuy kim ngạch xuất siêu còn nhỏ nhưng cũng là hệ quả của việc tăng trưởng XK nhanh trong khi việc quản lý NK có chuyển động tích cực.
 
Tuy vậy, Khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 13 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 6,7 tỷ USD, kể cả dầu thô xuất siêu khoảng 13,9 tỷ USD./.


Lượt xem: 370

Thống kê truy cập

Đang truy cập:510

Tổng truy cập: 18564136