Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

1PL, 2PL, 3PL, 4PL trong logistics là gì? Sau logistics 4PL là gì, đã có logistics 5PL chưa?

2023-08-01 09:13:00.0

1PL, 2PL, 3PL, 4PL trong logistics là gì? Sau logistics 4PL là gì, đã có logistics 5PL chưa?

Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, sự phát triển của quan hệ thương mại quốc tế đòi hỏi dịch vụ logistics ngày càng chuyên nghiệp, vì vậy dịch vụ 1PL, 2PL, 3PL, 4PL, 5PL trong logistics cần được chúng ta hiểu sâu sắc về bản chất để từ đó biết được về các loại hình dịch vụ logistics. Vậy cụ thể 1PL, 2PL, 3PL, 4PL, 5PL là gì và làm sao phân biệt được các loại hình dịch vụ này?, chúng ta hãy cùng nhau khám phá nội dung dưới đây.

1PL (First Party Logistics hay Logistics tự cấp)

1PL là hình thức dịch vụ mà những người sở hữu hàng hóa tự mình tổ chức và thực hiện các hoạt động Logistics để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Các công ty này có thể sở hữu phương tiện vận tải, nhà xưởng, thiết bị xếp dỡ và các nguồn lực khác bao gồm cả nhân lực để thực hiện các hoạt động logistics.

 

1PL có sự khác biệt rõ rệt với các loại hình Logistics còn lại bởi đặc trưng mang tính tự cấp dịch vụ logistics mà không cần đến một bên cung cấp dịch vụ logistics khác. Vì vậy, ở hình thức 1PL, người sở hữu hàng hóa sẽ tự đầu tư phương tiện vận tải, nguồn nhân lực và các công cụ hỗ trợ khác đế đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của công ty.

 Đa số hình thức 1PL được áp dụng với những hàng hóa có kích thước không quá lớn, dễ vận chuyển và phạm vi vận chuyển hẹp, chủ yếu là nội bộ hoặc trong nước. Cũng có một số trường hợp, đó có thể là công ty rất lớn có khả năng tự thiết kế và điều hành hoạt động logistics. Tuy vậy, với những doanh nghiệp không có quy mô cũng như không có đủ kinh nghiệm, trình độ, chất lượng nhân lực thì hình thức 1PL sẽ gây ra nhiều khó khăn, làm giảm hiệu quả lại dễ gây ra nhiều rủi ro và tốn kém chi phí.

2PL (Second Party Logistics hay Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ hai)

 

Đây là một chuỗi những người cung cấp dịch vụ cho hoạt động đơn lẻ cho chuỗi hoạt động logistics nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ hàng nhưng chưa tích hợp với hoạt động logistics (chỉ đảm nhận một khâu trong chuỗi logistics). 2PL là việc quản lý các hoạt động truyền thống như vận tải, kho vận, thủ tục hải quan, thanh toán,….

2PL thường chỉ đảm nhận và đóng góp vào một khía cạnh nhỏ trong toàn bộ chuỗi logistics của khách hàng, thường là những hãng tàu hoặc những công ty vận tải đường bộ hay đường hàng không.

3PL (Third Party Logistics – Cung cấp dịch vụ Logistics bên thứ ba)

Có thể nói 3PL là hình thức phát triển một mức cao hơn và rộng hơn của 2PL.

Sử dụng 3PL là việc thuê các công ty bên ngoài để thực hiện các hoạt động logistics, có thể là toàn bộ quá trình quản lí logistics hoặc một số hoạt động có chọn lọc.

 

Các hoạt động mà bên cung cấp dịch vụ logistics thực hiện cho công ty khách hàng dựa trên hợp đồng bao gồm: kê khai hải quan, thông quan hàng hóa, các chứng từ giao nhận, vận chuyển, bốc dỡ hàng,… để đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi quy định. Thường thì các công ty 3PL sở hữu nhiều loại phương tiện vận chuyển từ đường bộ đến đường hàng không và có mối liên hệ mật thiết với các công ty vận chuyển khác để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng và tận dụng tối đa chức năng dịch vụ của công ty.

Ví dụ: Một công ty A của Việt Nam xuất bán hồ tiêu cho doanh nghiệp tại Mỹ. Thay vì tự làm việc đặt lịch tàu, thuê xe chở hồ tiêu từ kho ra cảng, làm thủ tục hải quan, xin giấy chứng nhận xuất xứ,… Công ty A sẽ giao cho Công ty C thực hiện. Do công ty C chuyên làm những công việc này nên các quy trình sẽ triển khai nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn. Đổi lại, Công ty A trả cho Công ty C một khoản tiền là giá dịch vụ mà Công ty C đã cung cấp.

Bên cạnh việc đảm nhận mọi thủ tục và việc vận chuyển hàng hóa, công ty cung cấp dịch vụ 3PL còn chịu trách nhiệm về thời gian vận chuyển hợp lí để hàng hóa còn nguyên vẹn, được giao đúng thời gian và địa điểm. Bởi nếu hàng hóa không còn nguyên vẹn hoặc xảy ra sự cố nào đó thì công ty Logistics thuê ngoài sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

4PL (Fourth Party Logistics – Logistics chuỗi phân phối hay nhà cung cấp Logistics chủ đạo)

Công ty Logistics 4PL là công ty đóng vai trò hợp nhất, gắn kết các nguồn lực tiềm năng và cơ sở vật chất kỹ thuật của mình với các tổ chức khác để thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp chuỗi logistics toàn diện.

 

Như vậy, 4PL được phát triển trên nền tảng 3PL, nhưng bao gồm các hoạt động rộng hơn và mang tính trách nhiệm cao như các dịch vụ công nghệ thông tin, và quản lý các tiến trình kinh doanh. 4PL được coi như một điểm liên lạc duy nhất, là nơi thực hiện việc quản lý, tổng hợp tất cả các nguồn lực và giám sát các chức năng 3PL trong suốt chuỗi phân phối nhằm vươn tới thị trường toàn cầu, lợi thế chiến lược và các mối quan hệ lâu bền.

Ở một cách nhìn khác, trong khi nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL sẽ thực hiện từng chức năng tách biệt với quy trình sản xuất, phân phối hàng hóa thì nhà cung cấp dịch vụ logistics 4PL sẽ đảm nhiệm một phần chức năng trước đây không thể tách rời của doanh nghiệp sản xuất – thương mại. Nói cách khác, logistics 4PL tích hợp mình với doanh nghiệp, trở thành một phần trong quy trình hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ: Công ty sản xuất máy kéo John Deere sản xuất nhiều loại máy kéo khác nhau, từ loại rất nhỏ để làm vườn đến loại rất lớn. Công ty vận chuyển các bộ phận ở dạng rời sang Hà Lan, một doanh nghiệp logistics Hà Lan đứng ra tiếp nhận, lắp ráp hoàn chỉnh, đưa vào kho bãi và giao hàng theo chỉ định của John Deere. Khi có yêu cầu sửa chữa nhỏ, bảo hành, thay thế, chính doanh nghiệp logistics Hà Lan cũng sẽ đảm nhiệm luôn việc này, John Deere không cần phải có kho hay trạm bảo hành riêng nữa. Như vậy, doanh nghiệp logistics Hà Lan đã trở thành một bộ phận không thể thiếu để John Deere có thể đưa được sản phẩm đến khách hàng.

Nhìn chung, mọi yếu tố ngõ ngách trong chuỗi cung ứng của khách hàng đều được 4PL quản lí. 4PL đảm nhận các hoạt động mang tính chiến lược và quản lí chuyên sâu, tập trung vào đưa ra giải pháp, cải thiện quy trình và vận hành toàn bộ hệ thống logistics và chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. dạy kế toán

Đặc biệt, vì 4PL được phát triển trên nền tảng 3PL nên nó đảm trách và quản lí toàn bộ các chức năng của 3PL, đồng thời tham gia quản lí một hoặc nhiều công ty 3PL khác để cung cấp toàn bộ các chức năng Logistics được thuê ngoài. Chúng ta có thể thấy rằng 4PL mang đặc trưng rõ nét hơn so với 3PL đó là tính giá trị cốt lõi, mang tầm chiến lược, có ảnh hưởng lâu dài đến mọi hoạt động trong chuỗi cung ứng của công ty, nó không chỉ là nhằm mục đích cắt giảm chi phí như dịch vụ 3PL.

Chính vì vậy, 4PL được mệnh danh là Những Nhà Cung cấp Dịch vụ Logistics dẫn đầu (Lead Logistics Providers).

Sau logistics 4PL là gì, đã có logistics 5PL chưa?

Có lẽ ít người biết đến dịch vụ 5PL bởi nó mới phát triển trên nền tảng thương mại điện tử một vài năm gần đây. Hiện nay, người ta cũng bắt đầu nói đến 5PL, loại hình dịch vụ logistics không cần có cơ sở vật chất như xe cộ, kho bãi, xe nâng, tàu biển, không có lái xe hay thủ kho. Chức năng chính của 5PL là cung cấp dịch vụ thông qua việc liên kết các nhà cung cấp dịch vụ khác và mạng lưới khách hàng, tìm kiếm, so sánh và lựa chọn các báo giá, kiểm tra, giám sát đường đi của hàng hóa, tư vấn, đào tạo để khách hàng tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Logistics 5PL cũng được nói đến là loại hình logistics thông minh, dựa trên phương tiện điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa để điều phối mạng cung ứng (chứ không phải chỉ là chuỗi cung ứng) và đáp ứng những nhu cầu khác biệt của từng khách hàng.

 

5PL thường là loại dịch vụ thị trường thương mại điện tử, bao gồm các 3PL và 4PL quản lý tất cả các bên liên quan trong chuỗi phân phối trên nền tảng thương mại điện tử. Chìa khoá thành công của các nhà cung cấp dịch vụ logistics thứ năm là các hệ thống (Hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), Hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và Hệ thống quản lý vận tải (TMS). Cả ba hệ thống này có liên quan chặt chẽ với nhau trong một hệ thống thống nhất và công nghệ thông tin.

Lưu ý rằng, mặc dù cụm từ PL dịch theo nghĩa đen là “logistics bên thứ…”, tuy nhiên ở 4PL hay 5PL không có bên thứ 4 hay bên thứ 5 nào cả. Do vậy, nên dịch là “logistics bậc 4”, “logistics bậc 5” sẽ dễ hiểu hơn. Tương tự như vậy, ta sẽ có 1PL, 2PL và 3PL là logistics bậc 1, 2 và 3.

Nhìn chung, có thể tổng kết lại đặc trưng của 5 loại hình dịch vụ Logistics như sau:

1PL: Logistics tự cấp, chủ hàng tự cung cấp dịch vụ logistics bằng chính cơ sở vật chất của mình.

2PL: Logistics 1 phần, chủ hàng thuê 1 phần dịch vụ logistics, thường là những hãng tàu hoặc những công ty vận tải đường bộ hay đường hàng không đảm nhận dịch vụ này.

3PL: Logistics thuê ngoài, dịch vụ logistics được bên thứ ba cung cấp, nhưng đơn lẻ.

4PL: Chuỗi logistics, dịch vụ logistics được cung cấp đầy đủ, một “chuỗi”, được quản lí chặt chẽ theo hệ thống và mang giá trị cốt lõi, tầm chiến lược, hợp tác lâu bền.

5pL: E-logistics, Logistics trên nền thương mại điện tử.

 


Ngọc Thạch –Phòng QLTM

Lượt xem: 5866

Thống kê truy cập

Đang truy cập:547

Tổng truy cập: 18616584